Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu dồn sức về đích
Thế Hoàng - 03/10/2019 14:08
 
Tiếp tục duy trì kim ngạch 23 - 24,5 tỷ USD/tháng trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang tiến gần mục tiêu 265 tỷ USD trong cả năm 2019.
Các doanh nghiệp dệt may đang tập trung lực lượng để sản xuất những đơn hàng cuối năm.
Các doanh nghiệp dệt may đang tập trung lực lượng để sản xuất những đơn hàng cuối năm.

Những ngành chủ lực duy trì tăng trưởng

Từng rất lo ngại hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng khi sụt giảm đơn hàng vào những tháng giữa năm, nhưng đến thời điểm này, ngành dệt may có thể tạm gác nỗi lo và lạc quan về khả năng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019.

Trong 9 tháng năm 2019, ngành dệt may đã mang về giá trị xuất khẩu khoảng 28,5 tỷ USD, gồm cả hàng dệt may, xơ sợi… Những ngày này, các doanh nghiệp lớn đang dồn lực sản xuất cho những đơn hàng cuối năm với giá trị cao.

Mới đây, tại một hội nghị về ngành dệt may và việc tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đánh giá, căn cứ tình hình thị trường dệt may thế giới và đơn hàng hiện nay, khả năng hoàn thành mục tiêu của toàn ngành trong năm 2019 là khả thi.

Những tháng vừa qua, dù ngành sợi bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động từ thương chiến Mỹ - Trung, khiến giá sợi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sâu, nhưng các doanh nghiệp đã tăng mạnh lượng sợi bán ra, phần nào bù đắp cho việc giảm giá thành, nên trị giá xuất khẩu 8 tháng chỉ giảm khoảng 3% so với cùng kỳ.

Với ngành may, các doanh nghiệp lớn đều có lượng đơn hàng tốt, do uy tín nhiều năm làm nhà cung ứng cho các tập đoàn nhập khẩu lớn. Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, 8 tháng năm 2019, doanh thu và lợi nhuận của Công ty đều tăng 34%, lần lượt đạt 3.166 tỷ đồng và 157 tỷ đồng. 

“Theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019 (doanh thu 4.154 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 208 tỷ đồng), 8 tháng đầu năm, TNG đã thực hiện được 76% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận”, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG xác nhận.

Tương tự, ngành hàng da giày, túi xách trong 9 tháng qua tăng trưởng xuất khẩu khá cao với 12%, ước đạt gần 16 tỷ USD. Dự báo, cả năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 18,3 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 3,7 tỷ USD, cộng cả hai mặt hàng là 22 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm trước.

Một ngành hàng quy mô trên 10 tỷ USD là lâm sản cũng duy trì tăng trưởng xuất khẩu cao trong 9 tháng qua, khi kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8,2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó, gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt trên 7 tỷ USD. Dự báo, xuất khẩu của ngành hàng này trong cả năm 2019 có thể chạm 11 tỷ USD.

Động lực từ xuất siêu

Ngay từ đầu năm, thị trường thế giới liên tục có những bất ổn do tác động của thương chiến Mỹ - Trung và giá cả biến động, nhưng kết quả xuất khẩu 9 tháng qua của nền kinh tế Việt Nam vẫn xuất siêu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2019 ước đạt 382,72 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng nói, 2 tháng trở lại đây đã đánh dấu sự tăng trưởng trở lại của xuất khẩu. Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu đạt tới 24,5 tỷ USD, tháng 9 dù đạt 23 tỷ USD, nhưng cũng là mức đáng kể, khi nhiều quốc gia đang cạnh tranh gay gắt để giành đơn hàng xuất khẩu dệt may, giày dép… với Việt Nam.

Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng ước đạt 188,42 tỷ USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam xuất siêu 5,9 tỷ USD. Kết quả này tạo động lực để xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam về đích với kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 265 tỷ USD.

Theo chu kỳ, xuất khẩu hàng hóa thường tăng cao vào dịp cuối năm do đây là thời kỳ cao điểm cho mua sắm tiêu dùng trong các dịp lễ, Tết. Mặt khác, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh kênh nhập khẩu hàng hóa.

Vì vậy, những tháng cuối năm sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành sản xuất hàng điện tử tiêu dùng như điện thoại, tivi, hàng may mặc… Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, giày dép và đồ gỗ...

26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Năm 2019, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 265 tỷ USD, tăng 8 - 10% so với năm 2018. Với kết quả đạt được trong 9 tháng qua, để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian còn lại của năm, xuất khẩu phải đạt kim ngạch bình quân 23,56 tỷ USD/tháng.

Theo số liệu của Bộ Công thương, 9 tháng qua, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuân thủ quy định kém, nông sản xuất khẩu nhận điểm trừ
Nông sản xuất khẩu không được thông quan, bị trả về không còn là chuyện hiếm trong thời gian gần đây, chủ yếu do mắc lỗi ở khâu sơ chế,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư