Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu khả quan
PV (VOV.VN) - 18/05/2018 21:13
 
Nhiều dấu hiệu thị trường cho thấy, xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc trong quý 2/2018, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn một số khó khăn cho doanh nghiệp.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước 4 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 2,16 triệu tấn, tương đương giá trị 1,1 tỷ USD; tăng 21,7% về khối lượng và tăng 37,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng trong vài năm gần đây. 

Nhiều tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo trong quý II (Ảnh minh họa: KT)
Nhiều tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo trong quý II (Ảnh minh họa: KT)

Sự tăng trưởng này là nhờ những hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung cho Indonesia, Philippines ngay từ đầu năm, đã giúp thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trở nên sôi động. Đáng chú ý, ngày 22/5 tới đây, Philippines sẽ tiếp tục mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo theo hình thức mở (G2P), gồm 50.000 tấn gạo 15% tấm và 200.000 tấn gạo 25% tấm.

Ngoài những thị trường trên, nhu cầu nhập khẩu gạo từ một số nước khác như Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản... cũng khiến thị trường gạo châu Á khởi sắc hơn.

Với những tín hiệu khả quan như vậy, xuất khẩu gạo trong quý 2/2018 được dự báo tiếp tục có triển vọng thuận lợi.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, một trong những khó khăn mà ngành lúa gạo Việt Nam đang phải đối mặt, đó là sản lượng lúa gạo nhóm chất lượng trung bình hiện không còn nhiều. Trong khi đó, nhìn lại những hợp đồng xuất khẩu lớn của các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay chủ yếu vẫn là phẩm cấp trung bình. Do vậy, một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thu mua chủng loại gạo này để phục vụ cho những hợp đồng xuất khẩu đã ký. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá gạo trong nước tăng cao trong thời gian gần đây. 

Cùng với đó, việc tiêu thụ gạo nếp của các doanh nghiệp ở thị trường nội địa và xuất khẩu vẫn đang gặp nhiều khó khăn, do Trung Quốc ít mua hoặc mua với giá quá thấp. Bởi lâu nay, gạo nếp của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước tình hình thị trường này gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác.

Top 10 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam
Trong danh sách TOP 10 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu, chiếm 39,5% tổng lượng xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư