Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu gạo mừng vì được giá
Thế Hải - 11/10/2018 14:12
 
9 tháng đầu năm 2018, giá FOB xuất khẩu gạo của nước ta đạt bình quân 503,3 triệu USD/tấn, tăng 62,4USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, gạo Việt đã có mặt ở 150 thị trường, với giá xuất khẩu ngày càng gia tăng.
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, gạo Việt đã có mặt ở 150 thị trường, với giá xuất khẩu ngày càng gia tăng

Gạo Việt ngày càng được giá

Từ ngày 10-12/10/2018, Chuỗi sự kiện nằm trong Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội với quy mô 500 khách mời trong nước và quốc tế.

Nằm trong chuỗi sự kiện này, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị gao quốc tế Việt Nam. Những con số về xuất khẩu gạo Việt được đưa ra đã khiến các nhà quản lý và doanh nghiệp đều phấn khởi.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Hàng năm, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo với giá trị khoảng 2,46 tỷ USD, lần lượt tăng 6,7% về lượng và tăng 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin tại Hội nghị, xuất khẩu gạo trong thời gian qua khả quan cả về lượng lẫn giá và chủng loại gạo xuất khẩu.

Đáng mừng nhất, gạo Việt vừa tăng được sản lượng xuất khẩu lại vừa tăng được về giá. Năm 2017, xuất khẩu gạo đạt 5,83 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016, trị giá 2,63 tỷ USD, với giá FOB xuất khẩu bình quân 452,6 triệu USD tấn. Mức giá này đã tăng thêm 3,7 USD/tấn so với giá xuất khẩu bình quân của năm 2016.

Tăng trưởng xuất khẩu gạo tiếp tục được duy trì trong năm 2018. Tính đế 15/9/2018, xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3%, trị giá 2,38 tỷ USD, tăng gần 25%.  Giá FOB xuất khẩu bình quân đã tăng lên 503,3 triệu USD/tấn, tăng 62,4USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

“Giá FOB xuất khẩu bình quân tăng hơn 62 USD/tấn là mức tăng cao nhất từ trước tới nay, khẳng định chất lượng hạt gạo Việt ngày càng được công nhận thông qua giá ngày càng tăng trên thị trường gạo thế giới”, ông Hải phấn khởi nói.

Đáng chú ý, ngành lúa gạo Việt Nam đang có những bước chuyển biến tích cực, cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng tăng phân khúc gạo chất lượng cao, giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp.

Cụ thể, 8 tháng qua, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,07% trong tổng lượng gạo xuất khẩu, đổi lại, gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm gần 43% và gạo thơm chiếm tới 33,24% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Nhờ vậy, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng khá. Hiện, mức giá đã hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn.

Hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu ở châu Á với tỷ trọng chiếm tới 60%. Ngoài ra, tỷ trọng xuất khẩu gạo sang châu Phi là 22%, châu Mỹ 8%, châu Âu 5% và khu vực khác 5%.

Đến năm 2030, Việt Nam mong muốn thay đổi tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường như sau: Châu Á còn 50%, châu Phi 25%, châu Mỹ 10%, châu Âu 6% và khu vực khác 9%.

Bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, xuất khẩu gạo đã tăng liên tục cả về lượng và trị giá từ sau 2016 đến nay. Giá gạo xuất khẩu và giá lúa trong nước đều tốt nên người dân và doanh nghiệp đều có lợi, khuyến khích sự ra đời của các giống lúa ngày càng chất lượng 

“Về dài hạn, định hướng phát triển sản xuât, xuất khẩu gạo cần sản xuất theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, đa dạng sản phẩm chế biến từ lúa gạo và xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo có chất lượng…để duy trì năng lực canh tranh bền vững hơn trên thị trường thế giới”, bà Tiên lưu ý.

Bỏ rào cản để gạo đi xa hơn

Xuất khẩu gạo được giá, tăng được cả lượng lẫn chất lượng, nhưng khó khăn với hạt gạo Việt còn không ít.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, thương mại toàn cầu, đặc biệt là thương mại gạo còn tiềm ẩn những biến động khó lường, mà mặt hàng gạo vốn là mặt hàng nhạy cảm được nhiều nước chú trọng   áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường rất cao.

Trong nỗ lực tháo gỡ rào cản cho gạo xuất khẩu, tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ 1/10/2018.

Theo Nghị định, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa. Thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng các điều kiện: Có ít nhất một kho chuyên dùng để chứa thóc; ít nhất một cơ sở xay xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo...

Cùng với đó, nhiều điều kiện xuất khẩu gạo gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp cũng được cắt giảm. Chính sách thông thoáng này sẽ tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường mà không cần ủy thác qua doanh nghiệp khác, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo cao cấp, gạo đặc sản đang có nhu cầu tiêu thụ lớn từ các thị trường như Trung Quốc, châu Âu, châu Phi, Iraq, Cu Ba, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.

Dự báo, xuất khẩu gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tăng do nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Iraq và các nước châu Phi tăng lên.

Xuất khẩu 8 tháng: Thủy sản, gạo, rau quả giữ “phong độ”, hạt tiêu, cao su xuống dốc
Thủy sản, gạo, rau quả, hạt điều…, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, đều giữ “phong độ” xuất khẩu, góp phần tạo nên con...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư