Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu lao dốc đặt Nhật Bản trước sức ép nới lỏng tiền tệ
Lê Quân (Reuters) - 21/10/2019 12:22
 
Xuất khẩu lao dốc trong 10 tháng liên tiếp khiến thị trường kỳ vọng Ngân hàng trung ương Nhật Bản nới lỏng chính sách tiền tệ sớm nhất có thể, thậm chí ngay tuần tới để kích thích nền kinh tế.
Xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 9 giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, do các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt sang Mỹ, Hàn Quốc giảm mạnh. Ảnh: AFP
Xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 9 giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, do các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt sang Mỹ, Hàn Quốc giảm mạnh. Ảnh: AFP

Thương chiến Mỹ - Trung kéo dài và nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc đang đặt thế giới trước rủi ro suy thoái và phủ mây đen lên triển vọng kinh tế Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Theo số liệu Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hôm nay, xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 9 bị kéo tụt 5,2% (sâu hơn dự báo 4% trước đó) so với cùng kỳ năm ngoái, do các đơn hàng xuất khẩu ô tô, phụ tùng máy bay sang Mỹ và thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Hàn Quốc giảm mạnh. Số liệu tháng 9 đánh dấu tháng sụt giảm thứ 10 liên tiếp trong hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản.

Trong đó, lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản giảm 2,3% trong tháng 9, đánh dấu tháng sụt giảm thứ 2 liên tiếp.

Hoạt động xuất khẩu chứng kiến cú trượt dài sau khi chính phủ nước này hạ đánh giá kinh tế vào thứ 6 tuần trước, đồng thời cảnh báo xuất khẩu suy giảm. Đây là một trong những yếu tố khiến một số nhà hoạch định chính sách Nhật Bản kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp tài khóa nếu thấy việc tăng cường hỗ trợ nền kinh tế là cần thiết.

Thị trường đang kỳ vọng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp cuối tháng này. Trong đợt xem xét lãi suất tháng trước, BOJ cho biết sẽ đánh giá kỹ lưỡng về các rủi ro bên ngoài có thể khiến đà phục hồi kinh tế Nhật Bản chệch đường ray.

Nếu cần thiết nới lỏng chính sách tiền tệ, BOJ “chắc chắn” sẽ hạ lãi suất ngắn và trung hạn, Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết.

Xét từng thị trường cụ thể, xuất khẩu sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản - ghi nhận tháng sụt giảm thứ 7 liên tiếp khi trượt dốc 6,7% trong tháng 9 do các đơn hàng xuất khẩu phụ tùng ô tô sụt giảm, nhưng bù lại là tăng trưởng ở các đơn hàng chip điện tử.

Trong khi đó, xuất khẩu sang châu Á - khu vực chiếm hơn 50% lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản - chứng khiến tháng sụt giảm thứ 11 liên tiếp khi lao dốc 7,8% trong tháng 9. Nguyên nhân là đơn hàng phụ tùng chế tạo chất bán dẫn xuất sang thị trường Hàn Quốc giảm mạnh 18,7% do tranh chấp thương mại Nhật - Hàn.

Xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ cũng bị kéo tụt 7,9% do xuất khẩu ô tô có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 và phụ tùng, động cơ máy bay đều sụt giảm.

Ở chiều ngược lại, hàng nhập khẩu từ Mỹ giảm 11,6% trong tháng 9, khiến thặng dư thương mại của Nhật Bản với nền kinh tế lớn nhất thế giới thu hẹp 3,5% còn 564,1 tỷ yên (5,2 tỷ USD).

Tháng trước, Washington và Tokyo đã ký thỏa thuận thương mại hạn chế nhằm cắt giảm thuế quan đối với nông sản Mỹ, thiết bị máy móc và các sản phẩm khác của Nhật Bản. Thỏa thuận này cũng giảm nguy cơ tăng thuế đối với ô tô Nhật Bản nhập khẩu vào Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng nhập khẩu của Nhật Bản tăng 6,8% trong tháng 9 phần lớn do các đơn hàng được đẩy lên tháng 9, trước thời điểm nước này tăng thuế doanh thu từ 8% lên 10% từ tháng 10.

Nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản sẽ giảm đi do tiêu dùng bị tác động bởi tăng thuế doanh thu. Đồng thời, thâm hụt thương mại của Nhật Bản sẽ được thu hẹp trong những tháng tới, Takeshi Minami, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin nhận định.

Doanh nghiệp Nhật Bản muốn xây dựng chuỗi cung ứng dưa lưới sản xuất tại Quảng Trị
UBND tỉnh Quảng Trị vừa có buổi làm việc với Công ty Sumitomo Corporation Việt Nam và Công ty Seibu Nousan Việt Nam về dự án trồng dưa lưới theo công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư