Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 11 tháng 02 năm 2025,
Xuất khẩu nông sản gặp khó đầu năm 2025
Linh Nguyễn - 11/02/2025 08:05
 
Xuất khẩu nông sản Việt Nam trong tháng 1/2025 ghi nhận sự sụt giảm với tổng giá trị ước đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính đến từ sự suy yếu của sức mua toàn cầu và giá cả nông sản giảm. Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra một loạt giải pháp nhằm ứng phó và thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 1/2025, hầu hết các nhóm ngành hàng nông sản đều giảm về giá trị xuất khẩu, ngoại trừ thủy sản. Trong đó, khu vực châu Á tiếp tục là thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm 47,9% thị phần. Kế tiếp là châu Mỹ với 23,8% và châu Âu với 11,4%. Đáng chú ý, xuất khẩu sang châu Phi tăng mạnh 31,3%, trong khi châu Đại Dương dừng lại ở 0,2%. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai loạt giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Thông tin về tình hình phát triển chung của ngành nông nghiệp trong tháng 1/2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ 10 - 15%. Dù vậy, nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động, từ sớm nên nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn dồi dào, giá cả ổn định, chất lượng tăng cao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, sự suy giảm trong xuất khẩu tháng 1/2025 chủ yếu đến từ hai yếu tố: sức mua giảm và giá giảm. Cụ thể, sức mua toàn cầu giảm do các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang đối diện với những thách thức kinh tế, khiến nhu cầu nhập khẩu nông sản giảm. Xu hướng tiêu dùng cũng có sự thay đổi, với ưu tiên ngày càng lớn dành cho sản phẩm hữu cơ, chất lượng cao, đòi hỏi nông sản Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn sản xuất để đáp ứng. 

Bên cạnh đó, giá cả nông sản giảm do dư thừa nguồn cung tại nhiều thị trường khiến lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng, tạo áp lực lên nông dân và chuỗi cung ứng. Ngoài ra, những quy định về chứng nhận môi trường, lao động bền vững và dư lượng hóa chất tại các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là châu Âu và Mỹ đang tạo ra áp lực lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai loạt giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Trong đó, trọng tâm là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt là vào các thị trường mới như khu vực Trung Đông, châu Phi và các nước tiêu dùng Halal. Tuy nhiên, thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU vẫn là những ưu tiên chiến lược. 

Song song với việc mở rộng thị trường, việc nâng cao chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc là yếu tố then chốt giúp nông sản Việt Nam cạnh tranh tốt hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các doanh nghiệp và hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Organic và HACCP…

Bộ cũng đang tổ chức các hội nghị và diễn đàn kết nối doanh nghiệp xuất khẩu với các thị trường tiềm năng. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn cũng được triệu tập để bàn thảo các giải pháp thâm nhập thị trường mới, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. 

Trước nguy cơ xảy ra đối đầu thương mại của các quốc gia trên thế giới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn được duy trì ổn định nhờ vào các cam kết thương mại song phương, trong đó có một số sản phẩm tiêu biểu như cá tra, tôm. 

Thứ trưởng Tiến cho biết, dù xuất khẩu tháng đầu năm có sự sụt giảm, nhưng với các giải pháp đồng bộ, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2025. Các yếu tố tích cực bao gồm việc mở rộng thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và xu hướng tiêu dùng toàn cầu hướng đến nông sản sạch, bền vững…

"Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia như EVFTA, RCEP và CPTPP sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan và tiếp cận sâu hơn vào những thị trường tiềm năng.", Thứ trưởng Tiến cho hay.

Đề xuất 4 chính sách phát triển thương hiệu nông sản Việt
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất xây dựng Nghị định về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam nhằm bổ sung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư