Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu nông sản nhắm tới mục tiêu 39- 40 tỷ USD
Thùy Liên - 05/01/2016 16:03
 
Kết thúc năm 2015 đầy sóng gió với khó khăn cả về thị trường và thời tiết, ngành nông nghiệp vẫn nỗ lực đạt được nhiều kết quả tích cực, với 10 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Năm 2016, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 39-40 tỷ USD.
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp sáng 5/1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp sáng 5/1

Khép lại một năm sóng gió

Chiều nay (5/1), Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo về kết quả công tác năm 2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2016. Trước đó, sáng nay, Bộ NN&PTNT đã tổ chức tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ 2016 và giai đoạn 2016-2020 với tham dự và chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2015, trong bối cảnh chịu nhiều tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu và thị trường tiêu thụ, song ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức, đối phó kịp thời có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thời tiết; tích cực triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành trên tất cả các lĩnh vực và đạt được kết quả tích cực trên các mặt công tác. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,41%; giá trị sản xuất (theo giá cố định 2010) tăng 2,62%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,28%, lâm nghiệp tăng 7,92%, thuỷ sản tăng 3,06%.

Đặc biệt, năm 2015, xuất khẩu nông sản gặp những khó khăn chưa từng có.  Dù vậy, ước cả năm, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 30,14 tỷ USD, chỉ giảm 0,8% so với năm 2014. Cả giai đoạn 2011-2015, kim ngạch xuất khẩu đã tăng mạnh, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 140,6 tỷ USD, bình quân tăng 9%/năm. So với năm 2010, tổng kim ngạch đã tăng từ 19,5 tỷ USD lên 30,38 tỷ USD năm 2014 và 30,14 tỷ USD năm 2015, tăng 54,6%. Có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD (gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ).

Dù xuất khẩu có dấu hiệu suy giảm, song xét cả giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 3,13%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra (từ 2,6 - 3%). Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 64,7% năm 2013, 67,8% năm 2014 và dự kiến khoảng 68% năm 2015; năng suất lao động xã hội ngành nông lâm thủy sản tăng 1,9 lần từ 16,3 triệu đồng năm 2010 lên khoảng 31 triệu đồng năm 2015. 

 “Tổng thể cả giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được mục tiêu duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, xuất khẩu đạt 40 tỷ USD

Về Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2016 và 5 năm 2016-2020,  Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, mục tiêu tổng quát được xác định là: “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhanh thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng”.

Một số chỉ tiêu cụ thể được xác định cho kế hoạch năm 2016 và 5 năm 2016-2020 là: tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản cho chỉ tiêu kế hoạch 2016 là 3% và kế hoạch 2016-2020 từ 2,5-3%; xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2016 đạt 31 tỷ USD, phấn đấu năm 2020 đạt 39-40 tỷ USD... 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết ngành sáng nay,Thủ tướng cho rằng:  “Trong điều kiện khó khăn như năm nay, mà nông nghiệp vẫn tăng trưởng tốt, có công rất lớn của bà con nông dân chúng ta. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng nông thôn đã giảm mạnh”.

Dù vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu, năm 2016, toàn ngành phải đặt ra mục tiêu, kết quả cao hơn, đồng thời phải ra sức khắc phục các yếu kém,phải đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách của ngành nông nghiệp; đặc biệt phải nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, các Tổng cục, các Sở NNPTNT địa phương.

“Từng lĩnh vực các đồng chí phải rà soát đi, để đề xuất và cả hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp phát triển tốt nhất”- Thủ tướng nêu rõ.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung triển khai thực hiện trong năm 2016 cũng như trong những năm tới.

Thứ nhất là đặc biệt quan tâm đến cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, luật pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để phát triển mạnh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn, cải thiện đời sống người nông dân. Từng lĩnh vực đều phải rà soát lại để thấy  phải có cơ chế, chính sách gì để người nông dân, doanh nghiệp phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn và với tinh thần không chỉ tạo thuận lợi tốt nhất mà còn hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp phát triển. Phải rà soát, cập nhật lại chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các đề án tái cơ cấu để làm sao phù hợp với cơ chế thị trường, năng động hội nhập; đồng thời tập trung triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến hoạt động thuộc ngành

Thứ hai là tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập của người nông dân. Trong tái cơ cấu, cần đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi đưa khoa học-công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là các khâu giống, quy trình sản xuất, canh tác, chế biến, bảo quản sản phẩm...; đồng thời cần phải thực hiện tốt công tác bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ người sản xuất bằng những biện pháp phù hợp với thông lệ cũng như các cam kết quốc tế; rà soát, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất đa dạng để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có chất lượng cao, hiệu quả cao trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh; quan tâm tập trung cho tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành, trong đó có tái cơ cấu các nông lâm trường quốc doanh theo hướng hiệu quả hơn, chất lượng cao hơn, tốt hơn. Trong tái cơ cấu nông lập trường phải lên phương án, đề án cụ thể để tổ chức lại từng nông lâm trường một, không thể kêu gọi chung chung.

Thứ ba là tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt quan tâm tập trung vào tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân; sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước và huy động có hiệu quả nguồn lực từ ngoài xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp về đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

Thứ tư là tập trung chỉ đạo, quản lý tốt vật tư nông nghiệp, gắn với đó là công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phải thực sự tạo chuyển biến rõ nét đối với công tác này trong năm 2016.

Thứ năm là ngành nông nghiệp phải đặc biệt quan tâm đến việc chủ động xây dựng kế hoạch phòng tránh thiên tai; hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, thời tiết; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; củng cố và phát triển hệ thống thủy lợi; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.


Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư