Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu sợi cán mốc kỷ lục 5,5 tỷ USD
Thế Hoàng - 23/01/2022 15:03
 
Ngành sợi có một năm thắng lớn khi được lợi từ giá sợi tăng, đơn hàng nhiều. Lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 5,5 tỷ USD, tăng 13% về lượng, nhưng tăng tới 50% về trị giá.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau 2 năm 2019-2020 chịu tác động mạnh của thị trường, giá sợi sụt giảm, cầu thấp do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và năm đầu đại dịch Covid-19, năm 2021, ngành sợi đã thắng lớn nhờ giá sợi hồi phục mạnh, xuất khẩu lần đầu tiên cán đích 5,5 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay.

Năm 2021, giá sợi xuất khẩu đã tăng khoảng 25% so với năm 2020, trong đó sợi cotton có mức tăng mạnh nhất, tiếp đến là sợi poly-visco, sợi poly và sợi pha poly-cotton… Được hưởng lợi từ việc giá sợi tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã về đích vượt xa chỉ tiêu đưa ra hồi đầu năm.

Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) sở hữu 2 nhà máy kéo sợi, 1 nhà máy 3 vạn cọc kéo 100% sợi cotton và 1 nhà máy 3 vạn cọc chuyên làm sợi TC và CVC, trong năm 2021, dù đại dịch bùng phát, nhưng các nhà máy này đều chạy tối đa công suất. Đơn hàng được chốt sớm, tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động nguyên liệu cho sản xuất.

Nhờ giá sợi tăng cao, kinh doanh thuận lợi, xuất khẩu không bị gián đoạn, kết thúc năm 2021, doanh thu bán sợi của Hanosimex ước đạt 897 tỷ đồng, bằng 146% so với kế hoạch (kế hoạch năm 2020 là 614 tỷ đồng), tăng 63% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 675 tỷ đồng (bằng 200,9% so với năm 2020). Lợi nhuận đạt 86,3 tỷ đồng (kế hoạch là 12 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ, Phó ban Sản xuất kinh doanh sợi thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, ngành sợi có nhiều lợi thế trong năm 2021, nhờ đó các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành đều về đích ấn tượng.

Kết thúc năm 2021, mảng sợi đã đóng góp trên 50% vào tổng lợi nhuận 1.200 tỷ đồng của Vinatex.

Theo báo cáo của Vinatex, năm qua, dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, nhưng Tập đoàn vẫn ghi nhận doanh thu hơn 16.430 tỷ đồng, tăng 10,7% so với 2020 và lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ,  hoàn thành mục tiêu phục hồi như trước đại dịch với nhiều chỉ tiêu cao hơn.

Nếu như trước đây, ngành may chiếm khoảng 80% lợi nhuận của Tập đoàn, thì năm 2021, mảng sợi đóng góp trên 50% trong tổng lợi nhuận, đây chính là “quả ngọt” của Vinatex nhờ thực hiện chiến lược đầu tư lớn vào mảng nguyên liệu từ 5 năm về trước.

Năm 2021, dù đại dịch diễn biến phức tạp, nhưng Vinatex vẫn đưa thêm 2 dự án mới vào hoạt động, tiếp tục mở rộng năng lực cung ứng sợi trong năm 2022.

Trong đó, Công ty cổ phần Vinatex Phú Hưng đã đưa Nhà máy Sợi 2 với quy mô 2,28 vạn cọc được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đi vào hoạt động từ tháng 10/2021. Trước đó, vào tháng 6/2021, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài hoàn thành đầu tư Nhà máy Sợi 3 với quy mô 3,2 vạn cọc sợi, đây là nhà máy có quy mô 2 tầng đầu tiên, hiện đại bậc nhất thế giới trong hệ thống các đơn vị trực thuộc Vinatex.

Nhà máy xơ sợi Đình Vũ thuộc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VnPoly), dù là một trong 12 dự án yếu kém, cũng có kết quả kinh doanh mảng sợi khởi sắc trong năm qua. Năm 2021, VnPoly đã vận hành toàn bộ 27/27 dây chuyền gia công sợi DTY. Nhờ đó, sản lượng sợi cả năm là 10.700 tấn, doanh thu bán  sợi DTY cả năm 2021 đạt 301,5 tỷ đồng, tăng so với kế hoạch 98,8 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước định phí ước thực hiện cả năm 2021 là 16,58 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch, trong đó, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh sợi DTY đạt 9,13 tỷ đồng, lợi nhuận từ tự doanh là 7,45 tỷ đồng.

Với sự phục hồi về sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng thông suốt, các biện pháp phòng, chống dịch được nới lỏng, linh hoạt theo Nghị quyết 128/NQ-CP, sản xuất, xuất khẩu sợi trong nước đang có lợi thế trong những tháng đầu năm 2022.

Thông tin từ các nhà sản xuất lớn như Sợi Thế Kỷ, Thiên Nam, Phú Bài, đơn hàng cho quý I đã đầy, trong đó các khách hàng lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc… đều cam kết đặt hàng dài hạn từ nhà cung ứng Việt Nam.

Ông Hồ Lê Hùng, Tổng giám đốc Hanosimex xác nhận, doanh nghiệp tận dụng triệt để cơ hội thị trường đang thuận lợi trong những tháng đầu năm 2022, nhằm đạt được chỉ tiêu kinh doanh tốt nhất, tiếp tục đưa mảng kinh doanh sợi đóng góp gần 50% trong tổng lợi nhuận dự kiến khoảng 70 tỷ đồng của doanh nghiệp.

Việt Nam thu 3,59 tỷ USD từ xuất khẩu sợi nhưng phải chi 2,36 tỷ USD để nhập khẩu bông
Chưa năm nào lượng ngoại tệ chi ra để nhập khẩu bông nguyên liệu về phục vụ nhu cầu kéo sợi của các doanh nghiệp trong nước tăng kỷ lục như...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư