Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 12 năm 2024,
Xuất khẩu “thăng hạng” khi có FTA
Thế Hoàng - 12/11/2024 09:38
 
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đang tạo dư địa lớn cho các ngành hàng như thủy sản, dệt may, da giày… tăng doanh số xuất khẩu, kéo quy mô xuất khẩu cả nước “thăng hạng”, đưa Việt Nam lọt Top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất.

Thủy sản sang Anh “nhảy vọt” nhờ thuế về 0%

Xuất khẩu hàng hóa của nước ta có đà tăng mạnh trong những năm gần đây khi một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực. Với các cam kết sâu rộng, toàn diện về giảm thuế, mở cửa thị trường, tạo thuận lợi thương mại…, các FTA này đã tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, rõ nhất là trụ cột thương mại.

Có thể thấy, UKVFTA thực thi 3 năm đã giúp xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng tốc, đồng thời thúc đẩy dòng vốn FDI từ Anh vào Việt Nam. Với lộ trình cắt giảm thuế quan, FTA này giúp tăng trưởng thủy sản vào Anh cao hơn bình quân các thị trường khác.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: “Khi UKVFTA có hiệu lực, thuế với những mặt hàng chính của ngành thủy sản như tôm, cá tra đã ngay lập tức về 0%. Hiện nay, mặt hàng tôm chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh, cá tra chiếm 20%”.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Anh đạt hơn 30 triệu USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với thủy sản, giày dép, dệt may và đồ gỗ - những ngành đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu - cũng chớp được cơ hội mở rộng thị trường.

Theo chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), khi Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng xuất khẩu giày dép sang Anh vẫn tăng 6%. Đặc biệt, năm 2023, khi xuất khẩu sang hầu hết thị trường suy giảm, thì kim ngạch xuất sang Anh vẫn tăng khá, đóng góp đáng kể vào xuất khẩu toàn ngành.

Gỗ và sản phẩm gỗ cũng là ngành có kim ngạch xuất khẩu sang Anh tăng trưởng tốt nhờ UKVFTA. Trong 9 tháng năm 2024, ngành gỗ xuất khẩu sang Anh đạt 165 triệu USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ. Với đà tăng như hiện nay, xuất khẩu gỗ sang Anh trong năm nay có thể đạt 230 triệu USD.

“Con số 230 triệu USD dự kiến thực hiện được trong năm 2024 dù khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 16 tỷ USD của toàn ngành, nhưng lại có vai trò rất quan trọng, bởi chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU”, ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho hay.

Còn số liệu tổng hợp được từ ITC’s Trade Map cho thấy, một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang đứng đầu tại thị trường Anh, như hạt tiêu, hạt điều tách vỏ, giày dép, cà phê, trong khi thủy sản đứng ở vị trí thứ 5, may mặc đứng ở vị trí thứ 6.

Năm 2023-2024, với những nỗ lực của doanh nghiệp và Thương vụ Việt Nam tại Anh, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng nông sản sang Anh, như cam, quýt, bưởi, vải, sầu riêng.

Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Anh, bà Hoàng Lê Hằng chia sẻ: “Vương quốc Anh hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu, sau Hà Lan và Đức. Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang Anh tăng trưởng ấn tượng kể từ khi UKVFTA được thực thi”.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Anh trong 10 tháng năm 2024 đạt gần 6 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ, chứng tỏ năng lực cạnh tranh và tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng dư địa thị trường và các ưu đãi từ UKVFTA.

 

Gia tăng lợi thế xuất khẩu với FTA

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết 17 FTA, trong đó 16 FTA đã và đang thực thi. FTA mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) vừa được ký kết trong chuyến thăm chính thức UAE của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cuối tháng 10/2024.

Theo CEPA, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu sang thị trường UAE và từ đó sang các nước Trung Đông.

Ngoài ra, có 2 FTA đang đàm phán, gồm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA (gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) và FTA ASEAN - Canada.

Việt Nam cũng đang khởi động đàm phán FTA với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur, gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay).

Bộ Công thương cho hay, với lộ trình cắt giảm thuế quan của các FTA, hàng hoá Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia xuất khẩu khác tại nhiều thị trường lớn. Nhờ đó, quy mô xuất khẩu không ngừng tăng.

Trong 10 tháng qua, xuất khẩu sang các thị trường có FTA đều tăng cao, như xuất khẩu sang EU đạt 42,3 tỷ USD, tăng 16,4%; sang ASEAN đạt 30,6 tỷ USD, tăng 13,9%; sang Nhật Bản đạt 20,2 tỷ USD, tăng 4,6%...

Trong Báo cáo của Bộ Công thương gửi Quốc hội và đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Kết quả tận dụng cơ hội từ các FTA đạt tích cực. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 356 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA đạt 230,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022. Đáng nói hơn, có 86 tỷ USD hàng xuất khẩu được hưởng cam kết xoá bỏ hay cắt giảm thuế quan theo các FTA, chiếm 37,35% trong tổng kim ngạch 230,5 tỷ USD”.

Kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các FTA hiện chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản tác động ra sao sau bầu cử Tổng thống Mỹ?
Dù có thể tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng doanh nghiệp thủy sản Việt cũng sẽ đối mặt với các biện pháp phòng vệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư