Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu thêm khó vì Trung Quốc siết quản lý cửa khẩu
Thế Hải - 10/04/2020 08:56
 
Xuất khẩu nông thủy sản và nhiều loại hàng hóa khác của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong những ngày tới tiếp tục gặp nhiều khó khăn bởi Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm siết quản lý cửa khẩu phòng tránh dịch Covid-19.
Việc điều tiết lượng xe hàng hóa lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc phải được thực hiện ngiêm, tránh xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa.
Việc điều tiết lượng xe hàng hóa lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc phải được thực hiện ngiêm, tránh xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc có Công hàm gửi Việt Nam thông báo về việc Trung Quốc sẽ tăng cường quản lý, áp dụng các biện pháp siết chặt, hạn chế nhập cảnh tại khu vực biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian tới để phòng, chống dịch bệnh.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) mới đây cũng đã có văn bản thông báo về việc áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý người và phương tiện qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 từ nước ngoài.

Theo đó, từ ngày 7/4/2020, các cửa khẩu phụ: Tân Thanh, Cốc Nam chỉ thông quan 5 tiếng/ngày, nghỉ vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết. 

Ngày 8/4, Trung Quốc cũng thông báo cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài sẽ làm việc từ 7h30 theo giờ Hà Nội và đến sau 14h sẽ không cho xe hàng sang, lái xe chưa giao được hàng sẽ được bố trí về qua mốc 1090. 

Thời gian qua, một số cửa khẩu biên giới đã được mở nhưng năng lực thông quan chưa cải thiện được nhiều do cả hai bên đều đặt ưu tiên hàng đầu cho các biện pháp phòng chống dịch. Nhân lực tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu, vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu của cả phía Việt Nam và phía Trung Quốc cũng vẫn còn thiếu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh đề nghị, UBND các Tỉnh, TP trực thuộc trung ương phải hỗ trợ DN triển khai thực hiện xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, tuyệt đối không nên đưa hàng lên biên giới chỉ để bán tại các cặp chợ, không rõ đối tượng mua hàng, đối tượng nhận hàng, không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu về bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc đối với hàng xuất khẩu,

Với những biện pháp mà phía Trung Quốc mới thông báo áp dụng, nếu lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực biên giới phía Bắc không giảm thì sẽ xảy ra tình trạng tồn đọng, ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu.

Tính đến hết ngày 8/4/2020, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đang tồn khoảng 1.698 xe và 1 toa hàng, trong đó riêng tỉnh Lạng Sơn còn tồn 1.582 xe, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, trái cây như thanh long, dưa hấu, chuối, xoài, mít,…

Trước tình thế cấp bách này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình để chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác điều hành, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới.

Bộ trưởng dự báo nếu lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu đưa lên khu vực biên giới phía Bắc không giảm thì sẽ xảy ra tình trạng tồn đọng, ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu.

Do đó, các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản và trái cây tươi cần chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

UBND các tỉnh biên giới phía Bắc phải chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục cập nhật, đưa thông tin thường xuyên về diễn biến giao nhận hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là khi Chính quyền phía bạn có chính sách phát sinh đột xuất tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa của ta; kịp thời trao đổi với Bộ Công Thương để cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh.

Nhằm hỗ trợ DN tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu mới, Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) phối hợp với Sở Thương mại Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức chương trình giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm Việt Nam với các doanh nghiệp mua hàng Trung Quốc (Quảng Tây).
từ 8h30 đến 10h30 và từ 13h30 – 15h30 các ngày 21, 22 và 23 tháng 4 năm 2020.

Sẽ có 60-80 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến có tiềm năng xuất khẩu sang Trung Quốc tham gia giao thương trực tuyến để tìm kiếm nhà xuất khẩu/nhập khẩu.

Hội nghị sẽ chia các phiên giao thương theo từng lĩnh vực, chủ đề hợp tác. Căn cứ trên nhu cầu giao thương của các doanh nghiệp Việt Nam, Ban tổ chức sẽ mời các nhà nhập khẩu của Trung Quốc tham gia vào các phiên giao thương và trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam.

Đẩy nhanh hợp tác, xuất khẩu vật tư y tế sang EU, Mỹ và những thị trường có nhu cầu
Bộ Công Thương phải thúc đẩy thực hiện nhanh hơn việc hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại vật tư y tế, trong đó các loại khẩu trang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư