Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu tôm gánh nặng thuế trùng thuế
Thanh Vũ - 24/06/2013 07:46
 
Cho dù vào giữa tháng 8/2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới có phán quyết cuối cùng về việc đánh thuế chống trợ cấp (CVD) đối với mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam, song trong ngắn hạn, các doanh nghiệp ngành tôm đang phải đối diện khá nhiều khó khăn.
TIN LIÊN QUAN

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm ước đạt hơn 1,031 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2012. Xuất khẩu tôm có mức tăng nhẹ là nhờ tình hình sản xuất tôm khá khởi sắc trong tháng 4 và tháng 5/2013.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp ngành tôm đang phải đối diện
khá nhiều khó khăn.

VASEP dự báo, trong thời gian tới, tình hình xuất khẩu tôm sang những thị trường chủ lực vẫn chưa mấy sáng sủa.

Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ khó tăng trong quý III/2013, nguyên nhân là bởi Quyết định sơ bộ của DOC về CVD đối với tôm nhập khẩu từ 7 nước, trong đó có Việt Nam chịu mức thuế cao 6,07%.

Thực tế này đã và đang tạo tâm lý nặng nề lên các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm trong nước, cũng như các nhà nhập khẩu tôm của Mỹ.

“Phán quyết cuối cùng về CVD đối với 7 quốc gia sẽ được DOC đưa ra vào giữa tháng 8 tới, song nhiều khả năng, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ cùng lúc phải chịu hai loại thuế (thuế chống bán phá giá và thuế CVD)”, đại diện VASEP cho biết. Được biết, theo kết luận sơ bộ của DOC, chỉ có Ecuador và Indonesia là 2 nước không có trợ cấp từ phía Nhà nước cho ngành tôm. Yếu tố này sẽ góp phần tạo đà cho 2 nước đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ và cũng khiến DN xuất khẩu tôm của Việt Nam gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh với hai quốc gia này.

Bà Quế Phương, phụ trách lĩnh vực tôm của VASEP cho biết, hiện VASEP có khoảng 50 DN xuất khẩu tôm, trong đó 30% tham gia xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Trong chuyến làm việc tại Hà Nội, Nha Trang và Cà Mau từ ngày 10/6 đến 16/6/2013, đoàn chuyên gia của DOC đã có một số cuộc làm việc với các DN xuất khẩu tôm. Theo đại diện VASEP, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức nào được công bố sau chuyến làm việc này của DOC.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, Tổng giám đốc một DN xuất khẩu tôm có quy mô lớn tại Sóc Trăng (xin được giấu tên) cho biết, DOC sẽ khó mà chứng minh được việc có hay không chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam với ngành nuôi tôm. Bởi, cho dù Nhà nước có gói tín dụng 3.000 tỷ đồng dành cho DN xuất khẩu cá tra, trên thực tế, có rất ít DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng này. Hơn nữa, phía DOC cũng đưa ra luận chứng khá chung chung, không rõ ràng.

“Có thể DOC họ chỉ thử xem khả năng chịu đựng của DN Việt Nam đến đâu”, vị tổng giám đốc này phán đoán và cho biết, trong khi chờ phán quyết cuối cùng của DOC vào giữa tháng 8 tới, thì trước mắt, trong ngắn hạn, DN xuất khẩu tôm phải chịu rất nhiều khó khăn, không những chịu “một cổ hai tròng” thuế (thuế chống bán phá giá, thuế CVD), mà còn chịu tác động không nhỏ từ khó khăn chung của nền kinh tế.

“Dịch tôm thẻ chân trắng, khiến tôm chết hàng loạt; thiếu cung nguyên liệu khiến giá đầu vào tôm nguyên liệu tăng cao; những hợp đồng đã ký trước đây sẽ gây khó khăn cho DN trong ngắn hạn, bởi khách hàng sẽ khó chấp nhận mức giá cao do phải “cõng” các khoản thuế và phí này”, vị tổng giám đốc trên nói.

Theo VASEP, DOC kiện cả Chính phủ, chứ không chỉ đơn thuần là kiện DN. Do đó, nếu muốn gây áp lực lên DOC để họ đưa ra phán quyết cuối cùng có lợi cho Việt Nam, thì cần các bên cùng vào cuộc, trong đó vai trò quan trọng nhất là Chính phủ. “Vấn đề quan tâm hàng đầu là làm sao thắng kiện DOC. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, DN không nên quá lo lắng vì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất sau này. DN nên bình tĩnh duy trì sản xuất như bình thường”, đại diện VASEP nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư