Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Xuất siêu 24,6 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử
Thế Hải - 03/11/2023 16:45
 
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu, nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 10 xuất siêu 3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 10 tháng năm 2023 là 24,61 tỷ USD
cán cân thương mại thặng dư do nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu.
Cán cân thương mại thặng dư 24,6 tỷ USD là do nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu.

Con số xuất siêu 24,6 tỷ USD sau 10 tháng của năm 2023 là mức cao nhất trong lịch sử xuất nhập khẩu của nước ta.

Trước đó, năm 2012, Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD, đánh dấu năm đầu tiên xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993, theo Tổng cục Thống kê.

Trong 10 tháng 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 95,08 tỷ USD, giảm 10,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 171,59 tỷ USD, giảm 13,3%.

Bộ Công thương lý giải: "Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 10 tháng năm 2023 là 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD)". 

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,99 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,6 tỷ USD.

Do những khó khăn về thị trường xuất khẩu, sự sụt giảm trong đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm, cùng với việc giá nguyên liệu hạ nhiệt đã kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng.

Lũy kế 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt gần 236 tỷ USD).

Ngoại trừ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 0,8% (ước đạt 71,02 tỷ USD), hầu hết các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm ở mức hai con số, như: điện thoại các loại và linh kiện giảm tới 60,4%; sắt thép các loại giảm 17,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 10,5%; vải các loại giảm 14,2%... 

Báo cáo Xuất nhập khẩu của Bộ này cho hay, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại nước ta luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, lần lượt là 1,77 tỷ USD (năm 2016), 2,11 tỷ USD (năm 2017), 6,83 tỷ USD (năm 2018), đạt 10,9 tỷ USD (năm 2019) và đạt 19,95 tỷ USD (năm 2020).

Sang năm 2021, dù đối mặt với dịch bệnh, từ quý II/2021, cán cân thương mại sau một thời gian dài duy trì xuất siêu đã chuyển sang nhập siêu do dịch Covid-19 tác động mạnh lên hoạt động sản xuất, xuất khẩu ở khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, nhờ các rào cản được tháo gỡ nên từ tháng 10/2021, xuất khẩu liên tục tăng mạnh, tháng sau cao hơn nhiều so với tháng trước. Xuất khẩu đạt mức cao nhất ghi nhận trong một tháng vào tháng 12/2021 với kim ngạch 34,6 tỷ USD. Cán cân thương mại vì vậy chuyển từ nhập siêu 2,55 tỷ USD thời điểm cuối quý III sang xuất siêu 4,1 tỷ USD thời điểm cuối năm.

Năm 2022, xuất nhập khẩu vượt 730 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 371,3 tỷ USD, nhập khẩu 358,9 tỷ USD, đưa thặng dư thương mại xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 12,4 tỷ USD.

Xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.

Theo Bộ Công thương, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới,rủi ro và thách thức hơn; nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu, châu Mỹ, là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. 

Tại Mỹ, người tiêu dùng mặc dù mở rộng chi tiêu cho dịch vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe, nhưng giảm chi tiêu tại các cửa hàng điện tử, đồ gia dụng - vốn là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.

Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của nước ta.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA...

Cùng với Bộ NN&PTNT đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt hơn 43 tỷ USD sau 10 tháng năm 2023
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng năm 2023 đạt hơn 43 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư