Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 04 tháng 12 năm 2024,
Xuất siêu sang nhiều thị trường có FTA
Thế Hải - 12/01/2021 09:23
 
Tăng trưởng xuất khẩu 6,5% trong năm 2020 là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Mức tăng trưởng này có sự đóng góp từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký.
.
Với mỗi doanh nghiệp, tận dụng FTA cũng là một phần quan trọng trong chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Kỳ tích xuất khẩu

Mức tăng trưởng xuất khẩu 6,5%, với 281,5 tỷ USD được xem là kỳ tích của Việt Nam trong năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19. Tạo nên kỳ tích này là công sức của mỗi doanh nghiệp khi liên tục có giải pháp thích ứng trong từng thời điểm để khai thác hiệu quả cơ hội từ các thị trường có FTA.

Kết thúc năm 2020, Công ty cổ phần Nafoods Group đạt doanh thu hợp nhất toàn hệ thống 1.215 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2019, là mức tăng cao nhất kể từ khi thành lập. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 60 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2019. Xuất khẩu đạt chỉ tiêu đặt ra nhờ việc đưa một số mặt hàng chinh phục được thị trường có FTA như EU, hay Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU)…

Theo Ban lãnh đạo Nafoods, ngoài lợi thế về các sản phẩm truyền thống như nước ép, dịch cô đặc, sản phẩm rau, củ, quả cấp đông, Công ty đã đưa nhóm sản phẩm sấy, sản phẩm hạt dinh dưỡng thương mại hóa thành công, được nhiều khách hàng tại thị trường Nga và các nước nói tiếng Nga ưa chuộng.

Ngoài ra, các đơn hàng chanh leo, nước hoa quả cô đặc đã được Công ty xuất đi EU ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, tận dụng ưu đãi thuế quan để tăng giá trị.

Khó khăn từ thị trường do tác động của dịch bệnh chỉ làm doanh nghiệp Việt hoang mang, lo lắng trong thời gian ngắn, ngay sau đó các doanh nghiệp đưa ra những sáng kiến đã được triển khai, kết nối để duy trì sản xuất, kinh doanh và các giao dịch thương mại quốc tế.

Với ngành dệt may, dù xuất khẩu chỉ đạt 35,2 tỷ USD, giảm 4 tỷ USD so với 2019, nhưng mức giảm này là ít nhất so với các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Trung Quốc...

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐTV Vinatex cho biết, năm 2020, tuy xuất khẩu của Tập đoàn giảm 10%, lợi nhuận giảm 15%, nhưng tiền lương chỉ giảm 4,5%, đạt trung bình 8,05 triệu đồng/người/tháng; giữ đủ việc làm cho 150.000 lao động; giảm giờ làm trên 12%.

Nhờ tận dụng tốt các FTA như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EAEU, CPTPP, EVFTA…, giá trị xuất siêu dệt may tăng nhanh: năm 2016 đạt 11,1 tỷ USD, năm 2019 đạt 16,9 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam từ chỗ năm 2016 đứng thứ 4 thế giới (sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ), thì đến năm 2019 đã vượt lên trên Ấn Độ, đứng thứ 3 thế giới.

Tại Hội nghị Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành công thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương kết quả xuất khẩu của hàng Việt vào các thị trường có FTA và thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng, trong đó có EU (gần 20,3 tỷ USD).

Với  Hiệp định CPTTP đang được doanh nghiệp tập trung khai thác, năm 2020, xuất khẩu sang Canada đạt 4,35 tỷ USD, tăng 11,9%; sang Mexico đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%...

Tận dụng tối đa các FTA

Mục tiêu đạt tăng trưởng xuất nhập khẩu 4-5%, xuất siêu tiếp tục duy trì như mức năm 2020 là nhiệm vụ không dễ dàng của Việt Nam trong năm 2021, khi Covid-19 vẫn bùng phát tại nhiều thị trường xuất khẩu chính yếu như Mỹ, EU, Nhật…, khiến sức cầu sụt giảm.

Dù vậy, sẽ không được lùi các kế hoạch, bởi sau 1 năm đương đầu với khó khăn không mong muốn, sức chống chọi của các doanh nghiệp đã được tôi luyện, tăng khả năng lãnh đạo, điều hành uyển chuyển với người đứng đầu doanh nghiệp.

“Kinh nghiệm của chúng ta về phòng chống dịch bệnh đã tốt hơn nhiều so với giai đoạn đầu năm 2020, doanh nghiệp thích ứng với sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới thiện chiến hơn, khả năng kinh doanh các mặt hàng phòng chống dịch để bù đắp sự sụt giảm của hàng hóa thông thường nhạy bén hơn và điều quan trọng là so với  đầu năm 2020, mức độ rủi ro của người làm quản lý như chúng tôi đã bớt đi”, ông Lê Tiến Trường nhận định.

Từ ngày 1/1/2021, Việt Nam có thêm 1 FTA song phương với Vương quốc Anh được đưa vào thực thi, nâng tổng số FTA đang có hiệu lực của Việt Nam lên con số 15.

Để tận dụng cơ hội thị trường mở ra từ các FTA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị cho việc thực thi các FTA mới.

“Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu và chúng ta phải khai thác hiệu quả các FTA này”, Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành công thương.

Với mỗi doanh nghiệp, tận dụng FTA cũng là một phần quan trọng trong chiến lược sản xuất, kinh doanh. Công ty TNHH Thông Thuận (Bình Thuận), một trong những doanh nghiệp điển hình trong ngành chế biến, xuất khẩu tôm đã nhanh nhạy đón cơ hội từ EVFTA cho biết, năm 2021, Công ty sẽ tập trung khai thác mạnh khu vực thị trường EU để hưởng ưu đãi thuế, tăng thêm giá trị gia tăng.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong năm qua, đại dịch Covid-19 hoành hành, chuỗi cung - cầu bị đứt gãy, nhưng Việt Nam tiếp tục đạt mức xuất siêu lớn, chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, đã tạo nên một mảng sáng cho bức tranh kinh tế. Xuất siêu năm 2020 cao gấp 11 lần so với mức thặng dư năm 2016, từ 1,78 tỷ USD, lên 19,1 tỷ USD.

Năm 2021, xuất khẩu điều phấn đấu đạt 3,6 tỷ USD
Theo kế hoạch xuất khẩu năm 2021 của Bộ NNPTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu điều phấn đấu đạt 3,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư