Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Xuất siêu tăng vọt lên gần 8,4 tỷ USD
Hà Nguyễn - 21/08/2020 13:01
 
7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu tới 8,39 tỷ USD, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng cục Hải quan vừa chính thức công bố, trong tháng 7/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 47 tỷ USD, tăng mạnh 8,5% so với tháng 6 năm 2020, tương ứng tăng 3,69 tỷ USD.

Con số này, theo Tổng cục Hải quan, đã có thấy hoạt động xuất nhập khẩu diễn biến tích cực hơn so với tháng trước. 

Trong đó, xuất khẩu đạt 24,87 tỷ USD, tăng 10,2%, tương ứng tăng 2,31 tỷ USD và là tháng có trị giá xuất khẩu cao thứ hai từ trước đến nay, chỉ đứng sau trị giá xuất khẩu của tháng 8/2019. Trong khi đó, nhập khẩu đạt gần 23 tỷ USD, tăng 6,7% (tương ứng tăng 1,38 tỷ USD).

Nghĩa là nếu tính theo tháng, cả xuất và nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 7 đều rất tích cực, nhất là trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

Trị giá và tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa của cả nước 7 tháng giai đoạn 2015-2020. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Trị giá và tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa của cả nước 7 tháng giai đoạn 2015-2020. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Tuy nhiên, nếu tính chung, thì xuất nhập khẩu vẫn chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 286,82 tỷ USD, giảm 0,8% (tương ứng giảm 2,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 147,61 tỷ USD, tăng 1,5% và nhập khẩu đạt 139,21 tỷ USD, giảm 3%.

Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 7/2020 thặng dư 2,78 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, cán cân thương mại của cả nước thặng dư 8,39 tỷ USD, cao gấp hơn 4 lần so với con số 1,98 tỷ USD thặng dư của cùng kỳ năm 2019.

Con số xuất siêu này, trên một góc độ nào đó, là tích cực. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xuất siêu chỉ thật sự có ý nghĩa khi đạt ở mức cao trên nền tảng cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng.

Còn hiện tại, Việt Nam có xuất siêu lớn chủ yếu là do xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm, mà nhập khẩu giảm lại là do giảm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất.

Ở một góc độ khác, Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 7/2020 đạt 27,46 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước. 

Tính chung 7 tháng, khu vực này đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 172,86 tỷ USD, giảm 5,1%, tương ứng giảm 9,28 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019. Đây là điều rất đáng chú ý, bởi xưa nay, đây là khu vực có vai trò quyết định đối với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7/2020 đạt 11,81 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước. 7 tháng, con số là 77,46 tỷ USD, giảm 6,2% so với 7 tháng của năm 2019.

Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7/2020 có mức thặng dư 3,84 tỷ USD. 7 tháng, khu vực này xuất siêu 17,94 tỷ USD.

Xuất khẩu đặt mục tiêu 340 tỷ USD vào năm 2025
Theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân từ 5%/năm, kim ngạch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư