Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Yêu cầu cấp thiết đầu tư "siêu cảng" Trần Đề
Trúc Giang - 31/10/2024 09:43
 
Các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long mong đợi Dự án cảng Trần Đề sớm được triển khai, đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển của vùng.
Cảng biển Trần Đề đóng vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng
Cảng biển Trần Đề đóng vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng

Điểm nghẽn về hạ tầng

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến và Phát triển xuất khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Công thương tổ chức tại TP. Cần Thơ vào đầu tháng 9/2024, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho rằng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 13% diện tích và 18% dân số cả nước, giữ vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế và sự phát triển chung của cả nước.

Đây là vùng có nhiều tiềm năng, cơ hội, lợi thế phát triển, là trung tâm sản xuất lớn nhất cả nước về lương thực, thực phẩm, thủy sản, trái cây… Theo mục tiêu phát triển đề ra đến năm 2030, tăng trưởng bình quân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5-7%/năm, quy mô nền kinh tế năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021, dẫn tới nhu cầu rất lớn đối với dịch vụ logistics.

“Thời gian qua, TP. Cần Thơ cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Một trong những nguyên nhân là lĩnh vực logistics chưa phát triển, tạo thành điểm nghẽn, hạn chế năng lực cạnh tranh, cơ hội đưa sản phẩm của vùng đến với người tiêu dùng...”, ông Nguyễn Thực Hiện chia sẻ.

Dự án đầu tư cảng Trần Đề có vốn đầu tư lớn, do vậy, ngoài nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến cảng theo quy hoạch, cần xem xét bố trí các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đồng bộ với lộ trình kêu gọi đầu tư hạ tầng bến cảng, nhằm tăng tính hấp dẫn để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, tương tự các khu bến cảng cửa ngõ khác (Lạch Huyện, Liên Chiểu) đã kêu gọi đầu tư trong thời gian qua.

- UBND tỉnh Sóc Trăng

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2023 do Bộ Công thương phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, là 1 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và 70% các loại trái cây cả nước.

“Tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics là rất lớn, nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của ngành dịch vụ logistics của vùng còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng”, bà Thắng nói.

Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đóng góp quan trọng trong sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản. Trong năm 2020, tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 47 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu đạt gần 19 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt 9,4 tỷ USD.

Riêng trong 7 tháng năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 15,7 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 6,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 7,59 tỷ USD, tăng 15,96% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 3,57% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, hạ tầng giao thông - vận tải còn hạn chế, thiếu đồng bộ; thiếu mối liên kết giữa các phương thức vận tải; quy mô và năng lực vận tải đường thủy còn thấp; chưa có cảng đầu mối và các trung tâm logistics lớn nên chưa phát huy đầy đủ vai trò để góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, nhất là hoạt động kinh doanh sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh của vùng.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam năm 2022, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% cả nước. Trong đó, doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nông nghiệp tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình, làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa.

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là chưa có cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp. Khoảng 70-75% hàng hóa của vùng đang phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng vùng TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến chi phí vận tải mà doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40% tùy từng tuyến, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ.

Cần sớm đầu tư cảng Trần Đề

Ngày 14/10/2024, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7523/VPCP-CN về Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề. Theo đó, về việc lập Đề án, UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu ý kiến của các bộ Giao thông - Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, căn cứ cơ sở chính trị, pháp lý và sự cần thiết để quyết định theo thẩm quyền việc tổ chức lập Đề án. Bộ Giao thông - Vận tải, theo thẩm quyền, căn cứ cơ sở chính trị, pháp lý và các quy hoạch liên quan, hướng dẫn UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức thực hiện lập, hoàn thiện Đề án.

Về thủ tục đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, quy định pháp luật và nội dung Đề án để hướng dẫn UBND tỉnh Sóc Trăng thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.

Trước đó, ngày 2/8/2024, Bộ Giao thông - Vận tải có Công văn số 8231/BGTVT-KHĐT gửi Văn phòng Chính phủ về chủ trương lập Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề, cảng biển Sóc Trăng. Tại công văn này, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Sóc Trăng là cảng biển loại III thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.

Cũng theo công văn trên, khu bến Trần Đề có phạm vi quy hoạch vùng đất và vùng nước cửa sông và ngoài khơi cửa Trần Đề có các bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư; khu bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề tiềm năng phát triển đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có bến tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 tấn.

Theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp nguồn lực thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến cảng Trần Đề (giai đoạn khởi động) thuộc Danh mục dự án dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp giai đoạn đến năm 2030, với tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng.

Tại Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2045 xác định, đến năm 2030, “hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng biển đặc biệt và cửa ngõ vùng”.

Để có thể tiếp nhận được tàu tải trọng lớn, khu bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề dự kiến đầu tư xây dựng tại khu vực cửa Trần Đề cách bờ khoảng 17 km, là khu vực biển hở không được che chắn, địa hình đáy biển sâu, kết nối với bờ bằng cầu vượt biển, xây dựng hệ thống đê chắn sóng để tạo thành bể cảng. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ, tính toán khoa học và có các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn kết cấu công trình, đảm bảo cho tàu vào làm hàng, nâng cao hiệu suất khai thác của bến cảng; đồng thời là cơ sở tính toán nhu cầu vốn đầu tư để kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa.

“Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, việc xây dựng Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề - cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long như đề xuất của UBND tỉnh Sóc Trăng là có thể được xem xét. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định về việc chấp thuận chủ trương lập đề án nghiên cứu xây dựng dự án cảng biển, nên đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu và chịu trách nhiệm về việc xây dựng Đề án”, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.

Trên cơ sở các nội dung nêu trên, Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất về sự cần thiết thực hiện Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long một cách kỹ lưỡng, bài bản, chuyên sâu làm cơ sở triển khai các bước lập đề xuất chủ trương, nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi... Dự án Đầu tư xây dựng khu bến Trần Đề. Đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu và chịu trách nhiệm về việc xây dựng Đề án.

Các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long mong đợi Dự án cảng Trần Đề sớm được triển khai, đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển của vùng. Sự hình thành và phát triển cảng Trần Đề không chỉ thúc đẩy lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, mà còn tăng tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư, phát triển khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ của vùng và hỗ trợ các lĩnh vực ngành nghề khác cùng phát triển; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Siêu dự án cảng Trần Đề vốn 50.000 tỷ đồng nhận nhiều tín hiệu thuận
Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề sẽ cung cấp những dữ liệu quan trọng để cấp có thẩm quyền quyết định triển khai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư