Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
8 điểm nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng
Thanh Huyền - 04/11/2017 08:27
 
"Một điều hết sức đáng mừng là ngày 31/10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo về môi trường kinh doanh toàn cầu (Doing Business 2018), theo đó môi trường kinh doanh của Việt Nam có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc từ 82 lên 68 (năm ngoái, Việt Nam tăng 9 bậc)".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 (Ảnh: VGP)
Chiều 3/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017. Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra cùng ngày tại Trụ sở Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

"Một điều hết sức đáng mừng là ngày 31/10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo về môi trường kinh doanh toàn cầu (Doing Business 2018), theo đó môi trường kinh doanh của Việt Nam có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc từ 82 lên 68 (năm ngoái, Việt Nam tăng 9 bậc). Cũng theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam và Indonesia là hai nước có nhiều cải cách nhất trên thế giới trong 15 năm qua, mỗi nước có 39 cải cách", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và đánh giá, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt, trực tiếp chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết thêm, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Trong 10 tháng, có thể rút ra 8 điểm nổi bật:

1) Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 tăng nhẹ so với tháng trước, chỉ 0,41%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ năm trước tiếp tục xu hướng giảm, tính chung 10 tháng đầu năm chỉ tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội (dưới 4%).

2) Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ (9 tháng năm 2017 tăng 7,6%); tháng 10, khai khoáng tăng trưởng trở lại (tăng 2,1% trong khi đó tháng 9 giảm 6%) và 10 tháng chỉ còn giảm 7,4% (9 tháng năm 2017 giảm 8,1%); ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2% (cao hơn mức tăng 7,3% cùng kỳ năm 2016). Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như: Bắc Ninh (32%), Hải Phòng (20%), Thái Nguyên (17,9%), Hải Dương (9,7%).

3) Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kỷ lục mới, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trên 28,2 tỷ USD, tăng 37,4%; vốn thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%.

4) Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,69% so với tháng 12 năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 11,81%). Chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm, chỉ số VNIndex vượt mốc 840 điểm và được dự báo hướng tới mốc 900 điểm.

5) Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7%, gần gấp 3 lần mức tăng cùng kỳ 2016 (tăng 7,2%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng 42,7%, điện tử, máy tính tăng 38,8%, điện thoại tăng 28,8%, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 28%, thủy sản tăng 18,7%... Xuất siêu đạt 1,23 tỷ USD.

6) Có trên 105.000 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt trên 1 triệu tỷ đồng (nếu tính cả doanh nghiệp tăng vốn bổ sung đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng).

7) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 10,7% (cùng kỳ tăng 9,3%).

8) Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 10,4 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm tích cực sẽ tạo đà thuận lợi hơn để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trong các tháng còn lại và mục tiêu phát triển bền vững của năm 2018.

"Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tập trung chỉ đạo sâu sát và chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính", ông Mai Tiến Dũng cho hay.

Đừng để tăng trưởng kinh tế giảm sốc trong quý I/2018
Những bất hợp lý trong tăng trưởng kinh tế đã được các đại biểu chỉ rõ, từ đó có giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư