Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bán lẻ được tiếp sức nhờ nền tảng bán hàng đa kênh
Thế Hải - 19/04/2018 08:17
 
Doanh thu bán lẻ qua thương mại điện tử sẽ tiếp tục bật tăng bởi thị trường xuất hiện thêm các nền tảng bán hàng đa kênh.

Cú hích tăng doanh thu thương mại điện tử

Công ty cổ phần Công nghệ DKT, đơn vị sử hữu nền tảng bán hàng đa kênh Bizweb với 33.000 khách hàng và Sapo - phần mềm quản lý bán hàng với hơn 10.000 khách hàng, đã chính thức hợp nhất để ra mắt phiên bản Sapo X.

Sapo X là nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh đầu tiên tại Việt Nam, giúp người kinh doanh có thể bán hàng ở tất cả các kênh, từ cửa hàng, website, Facebook, Zalo… đến các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, nhằm tăng khả năng tiếp cận sản phẩm đến nhiều khách hàng tiềm năng và cơ hội bán được hàng cũng cao hơn. 

.
Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức bán hàng online hoặc lựa chọn phương thức bán hàng đa kênh, đây là xu hướng báo trước sự tăng trưởng doanh thu bán lẻ qua thương mại điện tử.

Ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DKT cho biết, ngành bán lẻ đang thay đổi trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngày nay, người mua hàng có thể sử dụng nhiều thiết bị kết nối Internet để mua hàng online, thay vì phải đến tận cửa hàng (offline).

Trước xu hướng mua sắm của người tiêu dùng, sự ra mắt của nền tảng Sapo X sẽ là cầu nối giúp các nhà bán lẻ tiếp cận khách hàng từ nhiều kênh, gia tăng doanh thu bán hàng.

Điểm nhấn quan trọng của Sapo X là giúp các doanh nghiệp bán lẻ tiết kiệm tối đa chi phí nhân sự cho đội ngũ tiếp nhận và xử lý đơn hàng. “Sapo X giúp chủ shop hoàn tất đơn hàng kể từ khi nhận đơn tới khi giao hàng, thuận lợi trong việc theo dõi hoạt động bán hàng hàng ngày, quản lý tồn kho chính xác và dễ dàng kiểm soát, so sánh hoạt động kinh doanh giữa các chi nhánh”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiêp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), với sự xuất hiện của Internet và sự phát triển của công nghệ, bán lẻ truyền thống đã không còn duy trì vị thế độc tôn. Những năm qua, doanh thu bán lẻ qua thương mại điện tử đã gia tăng nhanh chóng và dự báo đạt 10 tỷ USD trong một vài năm tới. Bên cạnh đó, bán hàng đa kênh đang dần trở nên phổ biến.  

Đại diện Vecom cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 35% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020.

“Các doanh nghiệp đang dịch chuyển từ bán hàng offline sang online rất nhanh, nhiều doanh nghiệp hoặc lựa chọn phương thức bán hàng đa kênh. Đó là xu hướng báo trước sự tăng trưởng doanh thu bán lẻ qua thương mại điện tử”, ông Hưng cho biết thêm.

Xu hướng bán hàng đa kênh

Thành công trong kinh doanh bán lẻ trực tiếp với hệ thống chuỗi siêu thị tại các đô thị lớn, nhưng các “đại gia” như Lotte, Aeon, Thế Giới Di Động… cũng không đứng ngoài xu hướng bán hàng đa kênh, nhằm tiếp cận tối đa khách mua hàng.

Đơn cử, trong lĩnh vực bán lẻ điện máy, công nghệ số, Thế Giới Di Động, FPT, Nguyễn Kim, Thiên Hòa... cũng đã đầu tư mạnh để đa dạng các kênh bán hàng. 

Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), sở hữu thương hiệu bán lẻ FPT Shop xác nhận, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư để gia tăng doanh thu từ các kênh bán hàng. FPT Retail đạt doanh thu trên 13.000 tỷ đồng trong năm 2017, trong đó, mảng thương mại điện tử của FPT Shop đã có những bước tiến đáng kể, đóng góp 2.000 tỷ đồng doanh thu vào kết quả chung. Lượt truy cập mỗi ngày vào website FPTShop.com.vn tăng đáng kể qua từng năm, riêng năm 2017 đạt 941.000 lượt/ngày, tăng 76,9% so với năm 2016. 

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail cho rằng, việc tiếp tục tập trung vào mảng thương mại điện tử, kết hợp với mạng lưới hơn 480 cửa hàng phủ khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho phép FPT Shop mang lại trải nghiệm tích cực cho khách hàng qua kênh online, được kỳ vọng sẽ trở thành nhân tố quan trọng cho tăng trưởng doanh thu của Công ty trong thời gian tới.

“Hiện ngành bán lẻ đang có nhiều thay đổi trong phương thức bán hàng, từ kênh bán lẻ truyền thống đến bán lẻ hiện đại và online, nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nhanh chân trong việc triển khai áp dụng các công cụ để đến gần hơn với khách hàng mọi lúc, mọi nơi, sẽ gia tăng đáng kể hiệu quả bán hàng”, bà Điệp cho biết.

Thế chân vạc trong bán hàng online
Theo khảo sát mới nhất của Bizweb, 3 kênh bán hàng hiệu quả nhất là Website - Facebook - Cửa hàng, đang tạo thành “thế chân vạc” vững chắc cho các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư