Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Cảnh giác với thịt nhập ngoại kém chất lượng
Hải Yến - 07/02/2015 07:41
 
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều hành vi gian lận thương mại, biến thịt trâu thành thịt bò, để đưa hàng vào các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Giáp Tết, cảnh giác với thịt nhập khẩu
Hàng giả, hàng nhái lộng hành, vì sao?
Ai uống phải bia nhập lậu, kém chất lượng?

Thịt bò Australia ngày càng mở rộng sự có mặt của mình trong các kênh bán lẻ khi có mặt ở hệ thống cửa hàng thực phẩm cao cấp, các nhà hàng và cả chợ lẻ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, một lượng lớn các loại thịt gà, heo, dê, cừu... cũng đang được đưa về Việt Nam phục vụ thị trường tiêu dùng cuối năm, tăng 50-60% so với thời điểm bình thường.

Cảnh giác với thịt nhập ngoại kém chất lượng
Trung bình mỗi tháng, Việt Nam nhập 15.000 - 16.000 con bò phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân

Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, với số lượng nhập khẩu lên tới 180.000 con trong năm qua, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là nước nhập khẩu bò Australia lớn thứ hai, sau thị trường Indonesia.

Ông Văn Đức Mười, Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) xác nhận, để phục vụ Tết Ất Mùi 2015, Vissan nhập khoảng 2.000 con bò về giết thịt, phục vụ thị trường trong nước.

Còn tính trung bình, mỗi tháng, Việt Nam nhập 15.000 - 16.000 con bò phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hai quốc gia xuất khẩu trâu bò sống sang Việt Nam là Australia, chiếm 82,2% về kim ngạch và 61,6% về số lượng nhập khẩu, Thái Lan chiếm 17,8% về kim ngạch và 38,4% về lượng nhập.

Thịt ngoại nhập tràn vào thị trường, theo cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch, cả thịt tươi sống (nguyên con) lẫn đông lạnh tạo sự đa dạng cho thị trường, nhưng mặt trái của nó là xuất hiện ngày càng nhiều đơn vị nhập khẩu, kinh doanh, phân phối vi phạm quy định về nhập khẩu, buôn bán hàng kém chất lượng.

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều hành vi gian lận thương mại, biến thịt trâu thành thịt bò, để đưa hàng vào các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra Xí nghiệp Bắc Hà - Chi nhánh Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Đông Anh, Hà Nội) phát hiện 117,5 kg thịt trâu đã được “phù phép” thành thịt bò. Không những thế, doanh nghiệp này còn tự ý in nhãn phụ tiếng Việt rồi dán vào sản phẩm.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), Bắc Hà chỉ là 1 trong nhiều doanh nghiệp có hành vi làm hàng giả, lừa đảo người tiêu dùng và né tránh cơ quan chức năng.

Với mức giá không chênh lệch nhiều so với thịt chăn nuôi trong nước, bò Australia đang chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, do được quảng cáo là thịt ngoại, thơm và mềm.

Chẳng hạn, 1 kg bò thăn nội có giá 300.000 - 320.000 đồng, thì bò Australia là 370.000 - 450.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ còn bán với giá thấp hơn cả bò nội.

Trên thực tế, người tiêu dùng gần như đang đặt cược hoàn toàn niềm tin vào các cơ sở bán hàng, khi chi tiền thật, nhưng không dám chắc là sản phẩm nhận được có đúng như quảng cáo hay không.

Trong đợt kiểm tra mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện 2.393 thùng chứa trên 47,8 tấn thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ của Công ty Xuất nhập khẩu thương mại và dịch vụ Tân Đại Dương đã được biến hóa thành thịt bò, rồi bán cho 14 doanh nghiệp khác...

Các cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng cần đề cao cảnh giác khi tiêu dùng các sản phẩm thịt nhập khẩu và nên tìm mua sản phẩm tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ lớn có uy tín về kinh doanh thực phẩm, hàng hóa như BigC, Fivimart, Co.op mart, Đức Việt, Vissan…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư