Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Chặn gỗ bất hợp pháp để tìm lợi ích lớn hơn
Hải Hà - 04/06/2017 21:27
 
Việc loại bỏ nguyên liệu gỗ bất hợp pháp trong sản xuất có thể ảnh hưởng tới một số làng nghề và doanh nghiệp sản xuất gỗ có nguồn gốc quý hiếm, nhưng lợi ích lớn hơn từ yêu cầu này buộc ngành gỗ phải đặt ra bài toán chuyển đổi.
Bài toán chuyển đổi để “nói không với gỗ bất hợp pháp” đã được doanh nghiệp ngành gỗ chú ý tới.
Bài toán chuyển đổi để “nói không với gỗ bất hợp pháp” đã được doanh nghiệp ngành gỗ chú ý tới.

Nhìn từ lợi ích lớn hơn

Tại Hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam nói không với gỗ bất hợp pháp” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam(VIFORES) phối hợp với Tổ chức Forest Trends (Tổ chức thương mại Lâm sản của Hoa Kỳ) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch, Tổng thư ký VIFORES cho biết, ngày 11/5, Chính phủ Việt Nam và EU đã hoàn thành việc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyên (VPA) trong khuôn khổ của Chương trình Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) do EU khởi xướng.

Mục đích của Hiệp định VPA là đảm bảo gỗ và các sản phẩm làm từ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU và bán tại thị trường nội địa đều phải có nguồn gốc hợp pháp. Điều này có nghĩa, các nguồn gỗ nguyên liệu có rủi ro cao sẽ khó có khả năng đáp ứng được các yêu cầu mới trong bối cảnh VPA được áp dụng và sẽ bị loại khỏi chuỗi cung cấp.

Cùng với Hoa Kỳ, EU là một trong 2 thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ vào 2 thị trường này chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong đó, xuất khẩu gỗ vào EU đạt 720,5 triệu USD, gần tương đương mức 732,1 triệu USD năm 2015. Trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trương này đạt gần 221 triệu USD.

Trên thực tế, trước VPA, từ năm 2013, EU đã áp dụng quy chế gỗ EUTR. Theo đó, các công ty nhập khẩu/sản xuất các mặt hàng gỗ bán tại EU phải thể hiện trách nhiệm giải trình nhằm loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi thị trường. Vì vậy, VPA được cho là sẽ không tác động nhiều đến tình hình xuất khẩu gỗ sang EU.

Tuy nhiên, theo ông Quyền, yêu cầu sử dụng gỗ hợp pháp không hẳn đến hoàn toàn từ VPA, mà còn đến từ những lợi ích quốc gia và từ mối quan hệ thương mại với các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu cho Việt Nam và các quốc gia tiêu thụ các mặt hàng gỗ của Việt Nam.

“Do đó, việc loại bỏ nguồn cung gỗ nguyên liệu có rủi ro cao sẽ khiến hình ảnh và thương hiệu của các doanh nghiệp gỗ Việt cạnh tranh hơn trên trường quốc tế”, ông Quyền nói và cho rằng, yêu cầu loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao sẽ tác động đến một bộ phận các doanh nghiệp tham gia nhập khẩu gỗ nguyên liệu, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ nguồn gỗ này và nhiều hộ gia đình tại các làng nghề.

Theo thống kê của VIFORES, mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu trên 4 triệu m3 gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ nhập khẩu từ các nguồn “sạch” là trên 2 triệu m3, còn lại là từ các nguồn khác, bao gồm cả nguồn có rủi ro cao về tính hợp pháp như từ các khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và một số quốc gia khu vực châu Phi.

Bài toán chuyển đổi

Bài toán chuyển đổi đã được ngành gỗ chú ý tới. Tại hội thảo nêu trên, VIFORES đã cùng Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA BINH DINH) và Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) ký biên bản và ra tuyên bố chung về việc “nói không với gỗ bất hợp pháp”.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch HAWA khẳng định, Hội sẽ có những biện pháp để ngăn chặn doanh nghiệp sản xuất gỗ lậu tham gia các hội chợ mà Hội tổ chức. Các doanh nghiệp sẽ phải giải trình nguồn gốc gỗ sản xuất sản phẩm phục vụ ngay thị trường nội địa, chứ không chỉ là hàng xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cho biết: “Việc loại bỏ gỗ bất hợp pháp theo tuyên bố chung đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ không được sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm gỗ liên quan tới gỗ quý hiếm trên thị trường. Trong khi đó, phần lớn thị phần xuất khẩu gỗ quý hiếm đang được xuất khẩu sang Trung Quốc. Bài toán lợi nhuận đang tạo ra rào cản lớn cho việc chuyển đổi”.

Theo ông Vương, các doanh nghiệp tại Đồng Kỵ đang lên kế hoạch thành lập cụm công nghiệp mới trên diện tích 50 ha quy tụ những doanh nghiệp có cam kết sử dụng gỗ hợp pháp. Những thị trường mới được thay thế đang được tìm hiểu gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Đức. “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là chuyển đổi mô hình từ kinh doanh hộ gia đình sang doanh nghiệp, bởi nếu vẫn sản xuất theo mô hình hộ gia đình, thì việc sử dụng gỗ trôi nổi là điều không thể tránh khỏi”, ông Vương nói.

Trên thực tế, việc giải bài toán về gỗ hợp pháp tại các làng nghề không phải là chưa có trên thực tế. Một ví dụ điển hình được ông Quyền nhắc tới là mô hình liên kết giữa Công ty Tavico (Đồng Nai) và một số hộ gia đình thuộc làng nghề gỗ tại Hố Nai. Theo đó, Tavico chịu trách nhiệm đào tạo, nâng cao tay nghề cho các hộ; phối hợp với các hộ nâng cao chất lượng sản phẩm; cung cấp nơi trưng bày sản phẩm; phát triển kênh phân phối sản phẩm… Đổi lại, Tavico được cung ứng gỗ nguyên liệu sạch đầu vào cho các hộ làng nghề.

Mặc dù vậy, ông Quyền cho rằng, giải pháp cho việc “nói không với gỗ bất hợp pháp” không chỉ đến từ các doanh nghiệp sản xuất, mà phải đến từ cả doanh nghiệp thương mại, xuất khẩu và các doanh nghiệp trồng rừng. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan phải có thông tư thống nhất về gỗ hợp pháp, xây dựng quy trình thu mua nguyên liệu cụ thể, đánh giá đối tác thu mua nguyên liệu, tránh việc trộn lẫn gỗ bất hợp pháp và hợp pháp.

Ngành gỗ bị “cướp” phần lớn sân nhà
Xuất khẩu đứng đầu thế giới, nhưng ngành gỗ Việt Nam lại đang thua đau ở thị trường nội địa, bởi ngay các cơ quan nhà nước cũng đang dùng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư