Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp ngoại muốn "lấn sân" trên thị trường xi măng
Thế Hoàng - 17/03/2017 14:10
 
Chỉ tính 2 thương vụ thâu tóm doanh nghiệp xi măng của các ông chủ người Thái năm 2016 - 2017 với giá trị chuyển nhượng lên tới 736 triệu USD, chứng tỏ, xi măng luôn là ngành kinh doanh đầy hấp lực.

Xi măng hấp dẫn doanh nghiệp ngoại

Ngay sau khi SCCC mua lại 65% cổ phần của Holcim Việt Nam trị giá 580 triệu USD, vào tháng 8/2016, Công ty TNHH SCG Xi măng - Vật liệu xây dựng, thành viên của Tập đoàn SCG đã mua lại 100% vốn cổ phần (tương đương 156 triệu USD) từ các cổ đông hiện tại của CTCP Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM). Như vậy, chưa đầy một năm, 2 “ông lớn” của Thái Lan đã hoàn thành 2  thương vụ thâu tóm doanh nghiệp xi măng Việt Nam, với tổng giá trị hơn 736 triệu USD.

Việc liên tiếp đổ khoản vốn lớn vào ngành xi măng của các doanh nghiệp ngoại, theo lý giải của ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xi măng The Vissai, cho thấy, ngành xi măng Việt Nam vẫn là mảng kinh doanh “màu mỡ” với các doanh nghiệp nước ngoài. Còn theo nhận định của nhiều doanh nghiệp trong nước, SCG, doanh nghiệp xi măng có công suất lớn nhất Thái Lan đổ vốn vào xi măng Việt Nam là một mũi tên trúng 2 đích. 

.
Trong 5 năm trở lại đây, các thương vụ M&A của ngành xi măng diễn ra ngày một phổ biến

Thứ nhất, SCG đã không chọn nước mình để đầu tư xi măng, mà chọn các nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam để gia tăng sản lượng, chớp thời cơ về thị trường nhằm tối ưu hiệu quả đồng vốn đầu tư. Được biết, suất đầu tư mới trong ngành xi măng Việt Nam vào khoảng 170 - 180 USD/tấn, trong khi đó, định giá theo tấn của các thương vụ M&A trong ngành khoảng 105 – 110 USD/tấn. Đây chính là điểm “hấp dẫn” các nhà đầu tư trong các thương vụ thâu tóm những nhà máy xi măng đang hoạt động tại Việt Nam. Cái được thứ hai, SCG mua nhà máy xi măng Việt Nam sẽ giảm thiểu được sự cạnh tranh trực diện với các doanh nghiệp xi măng tại Thái Lan, hơn nữa, với những lợi thế về vốn, thị trường, các doanh nghiệp này thể hiện sự vượt trội khi tham gia cạnh tranh với các doanh nghiệp xi măng Việt Nam.

Trong 5 năm trở lại đây, các thương vụ M&A của ngành xi măng diễn ra ngày một phổ biến, khi các doanh nghiệp ngoại mua lại doanh nghiệp nội và một số trường hợp doanh nghiệp nội mua lại nhà máy làm ăn thua lỗ. Điểm khác biệt  là các công ty nước ngoài bước chân vào những doanh nghiệp có thị phần lớn, thương hiệu mạnh. Còn những thương vụ M&A trong nước lại chủ yếu là sáp nhập các dự án nhỏ.

Ông Lê Văn Tới, nguyên Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, doanh nghiệp ngoại đổ vốn vào ngành xi măng là một xu hướng tất yếu, khi ngành này còn dư địa kinh doanh tốt. Các tập đoàn xi măng lớn trong khu vực đã rất nhanh nhạy gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam để cạnh tranh thị phần và nhắm vào các nhà máy đang có thị trường tốt, hoạt động hiệu quả.

Khối ngoại đang thôn tính doanh nghiệp xi măng nội?

Đó là câu chuyện được không ít doanh nghiệp xi măng băn khoăn khi dự đoán về xu hướng gia tăng các thương vụ thôn tính của khối ngoại đối với các nhà máy xi măng đang hoạt động tại Việt Nam.

Là doanh nghiệp có khá nhiều thương vụ M&A thành công trong ngành xi măng, Tập đoàn Xi măng The Vissai nhận định, trong bối cảnh dư cung của ngành xi măng, thị trường trong nước có hạn, các doanh nghiệp đều tập trung cho xuất khẩu, nhưng chính sách thuế xuất khẩu 5% và không được khấu trừ thuế VAT, kèm theo cạnh tranh khốc liệt ở mảng xuất khẩu, khiến nhiều doanh nghiệp nội đang yếu đi.

“Khi doanh nghiệp yếu đi, một mặt mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm ngành và tất yếu dẫn đến việc doanh nghiệp xi măng trong nước không thể tồn tại và bắt buộc phải “bán mình”, ông Đạt nói. Xuất khẩu đang là kênh giúp ngành xi măng tiêu thụ từ 15 - 20 triệu tấn/năm trong 3 năm trở lại đây, nhưng sản lượng và giá xuất khẩu đã giảm mạnh từ cao điểm xuất khẩu 20 triệu tấn, trị giá gần 1 tỷ USD vào năm 2014.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp xi măng, từ khi áp dụng Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP, mỗi tấn clinker và xi măng xuất khẩu của Việt Nam đang gánh thêm chi phí thuế từ 4 USD/tấn đến 7 USD/tấn. Có thể nói, các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải oằn mình bù lỗ cho những tấn hàng xuất khẩu để giữ thị trường và uy tín với bạn hàng.

Ngoài ra, với giá bán sau áp thuế xuất khẩu sẽ cao hơn hẳn các đối thủ trong khu vực, khiến các các đối tác sẽ phải từ bỏ thị trường Việt Nam, chuyển hướng sang các thị trường khác có sự ổn định và giá bán cạnh tranh hơn.

Mất khách hàng, sản lượng xuất khẩu giảm, cộng với giá xuất khẩu giảm sâu cả năm nay, tất yếu dẫn đến hậu quả nặng nề cho ngành xi măng khi các doanh nghiệp ồ ạt giảm giá, khuyến mại để đưa hàng chục triệu tấn xi măng quay lại thị trường nội địa. Khi đó, sẽ gây ra sự hỗn loạn của thị trường xi măng trong nước, phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, giành giật lẫn nhau và cuối cùng có thể dẫn đến việc giải thể, phá sản hoặc bán công ty.

Thêm một doanh nghiệp xi măng Việt về tay người Thái
Công ty TNHH SCG Xi măng - Vật liệu xây dựng - thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã lấn sâu thêm vào ngành xi măng Việt Nam thông qua việc mua lại 100%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư