Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hành động vì doanh nghiệp, vì nền kinh tế
Bảo Duy - 19/01/2018 09:45
 
Tuần này được xem là một tuần dày đặc thông điệp mà giới kinh doanh, người dân đang chờ đợi từ người đứng đầu Chính phủ. Các hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch năm 2018 của các bộ, ngành diễn ra liên tiếp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gần như không bỏ sót cuộc làm việc nào.

Ông đã yêu cầu Bộ Công thương vượt qua tư duy nhiệm kỳ, gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình.

Ông yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải là cỗ máy tinh vi, khối óc sáng suốt để làm tốt vai trò kiến trúc sư trưởng của cải cách.

Với Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu tạo ra môi trường phát triển lĩnh vực xây dựng thông thoáng, thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế.

.
Chính phủ và các bộ ngành đang có những nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện nền kinh tế.

Với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm vụ cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, giảm và loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân tiếp tục được Thủ tướng nhấn mạnh.   

Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ đề xuất chính sách phải vô tư, trong sáng, vì lợi ích chung, vì nhân dân, không vì lợi ích cá nhân, tuyệt đối chống lợi ích nhóm và tham nhũng chính sách…

Nhìn lại, đây không phải là thông điệp mới, nhưng là những mệnh lệnh mà Thủ tướng Chính phủ đã kiên định yêu cầu, đã gây áp lực liên tục lên bộ máy của mình trong 2 năm qua. Áp lực cải cách bộ máy theo hướng vì sự thuận lợi của người dân, doanh nghiệp tiếp tục được đặt nặng lên từng người đứng đầu, từng công chức và cả bộ máy nhà nước.

Giới đầu tư, kinh doanh tin rằng, quyết định chính thức cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc 8 lĩnh vực, gồm xăng dầu, thuốc lá, điện lực, nhượng quyền thương mại, thương mại điện tử, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành cùa Bộ Công thương mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành trong ngày đầu tuần này sẽ là phát pháo mở màn.

Những phân vân trước đó về khả năng thực hiện được yêu cầu cắt giảm từ 1/3 đến ½ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính mà Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2018 đặt ra, với mục tiêu cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành, đang dần được hóa giải.

Dù vậy, trong các nỗ lực trên, tốc độ dường như vẫn là điều mà giới kinh doanh, đầu tư đang chờ đợi có sự cải thiện mạnh mẽ hơn. Nhất là khi cho tới thời điểm này, số bộ, ngành công bố công khai phương án rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính vẫn là số ít. Hơn thế, trong số các phương án đã được công bố, không phải mọi phương án đều tuân thủ yêu cầu đặt doanh nghiệp, người dân vào trung tâm của sự phát triển của Chính phủ. Dường như, tư duy thuận tiện cho quản lý nhà nước vẫn khá nặng nề.

Nhưng điều đáng nói là không chỉ cơ quan quản lý nhà nước còn giằng xé giữa quyền lực riêng và lợi ích chung, không ít hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp - nhất là những doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ những rào cản kinh doanh hiện hữu, từ cơ chế xin – cho, lại đang níu chân các nỗ lực cải cách. Ngay cả quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh của Bộ Công Thương mà Thủ tướng vừa ký cũng vấp phải những tư duy phi thị trường, không ủng hộ cạnh tranh của những doanh nghiệp được coi là hàng đầu, là dẫn dắt ngành…

Lúc này, có lẽ phương châm hành động gồm 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện kế hoạch 2018 không chỉ dành cho bộ máy quản lý nhà nước. Giới kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải hành động sáng tạo và hiệu quả vì sự phát triển của nền kinh tế.

Kinh tế Việt Nam: Thế và lực đã vững vàng hơn để phát triển nhanh, bền vững
Hai mục tiêu có vẻ mâu thuẫn là phát triển nhanh và bền vững mà nền kinh tế Việt Nam muốn đạt tới đang có dư địa lớn, khi khu vực kinh tế tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư