Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hướng dòng vốn FDI đến đúng mục tiêu
Nguyên Đức - 08/01/2018 07:50
 
Những định hướng mới trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã bắt đầu hé mở, theo hướng hướng khu vực FDI phục vụ nhiều hơn nữa cho sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam.

Thu hút đầu tư có mục tiêu

Nói là định hướng mới thì chưa hẳn, bởi khác với thời điểm cách đây 5 năm, sau khi tổng kết 25 năm thu hút FDI, Chính phủ đã có hẳn Nghị quyết 103/NQ-CP về Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới, nhưng hiện thời, chưa có bất cứ văn bản chính thức nào về vấn đề này. Khả năng, phải sau Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI (Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị tổ chức trong năm nay) mới có văn bản tương tự.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Honda Việt Nam (tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Chí Cường
Dây chuyền sản xuất của Công ty Honda Việt Nam (tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Chí Cường

Song lần đầu tiên, ngay trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, rất nhiều nội dung đề cập những định hướng lớn trong thu hút FDI. Nói đúng hơn, là những giải pháp chính sách để thúc đẩy phát triển nền kinh tế, có gắn với FDI.

Chẳng hạn, năm 2018, một trong những giải pháp được Chính phủ nhấn mạnh là phát triển mạnh công nghiệp, trọng tâm là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; “công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia”…

Thậm chí, trong giải pháp về việc tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh việc “thu hút các nguồn vốn, nhất là FDI và ODA, hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước”.

“Đây là một định hướng đúng đắn. Bởi đã đến lúc, không chỉ cần quan tâm đến vốn FDI đăng ký, vốn giải ngân, mà phải làm sao để định hướng dòng vốn đó đến được với lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên phát triển, để FDI phục vụ được nhiều hơn cho sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nói.

Nhưng đâu là lĩnh vực ưu tiên? Nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ đã từng nhấn mạnh chuyện chọn lọc “các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển; dịch vụ hiện đại... Đồng thời, tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia…

Trong 4 năm qua, kể từ khi Nghị quyết 103/NQ-CP được ban hành, câu hỏi đặt ra là, Việt Nam đã làm được bao nhiêu so với những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết đặt ra? Trả lời được câu hỏi đó, sẽ có những định hướng chuẩn xác hơn trong thu hút FDI giai đoạn tới.

Theo “hiến kế” của ông Simon Bell, cố vấn cao cấp về chính sách đầu tư của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần xây dựng một danh mục các ngành chiến lược mà quốc gia cần thu hút FDI. Chẳng hạn, dược phẩm và thiết bị y tế; nhà sản xuất thiết bị gốc; công nghệ môi trường hay dịch vụ tài chính, hậu cần; dịch vụ công nghệ thông tin và công nghệ tri thức… Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng để phát triển và cần phát triển để bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Liệu đây có phải là những ngành mà Việt Nam cần ưu tiên thu hút FDI? Câu hỏi không chỉ cho riêng năm 2018, mà cho cả giai đoạn tiếp theo. Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, cần có nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng để có những định hướng ưu tiên đúng đắn, từ đó có cơ chế, chính sách cụ thể để hướng dòng vốn FDI đến đúng mục tiêu mà Việt Nam hướng tới, qua đó tối ưu hóa lợi ích dòng vốn này.

Tăng cường liên kết FDI với khu vực nội địa

Không phải là vấn đề mới, nhưng một lần nữa, chuyện liên kết FDI và nội địa, chuyện liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia đã được khẳng định tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Hơn thế, trong 242 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành thực hiện nhằm triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP, có một nhiệm vụ - cũng là lần đầu tiên - được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đó là đánh giá tình hình các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ kiện đầu vào cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đây là một điều hoàn toàn mới, dù đã có những chính sách thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng liên kết FDI với nội địa vẫn luôn là “điểm yếu chết người” trong thu hút FDI của Việt Nam, khiến dư luận cho rằng, 30 năm qua, thu hút FDI của Việt Nam vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Có ý kiến đổ lỗi cho khu vực FDI, nhưng cũng có quan điểm cho rằng, nguyên nhân là do doanh nghiệp nội địa quá yếu, không đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Còn GS-TSKH Nguyễn Mại thì thẳng thắn: “Đừng ngồi điều hòa, sofa rồi than vãn tại sao ta mãi không phát triển được. Khi tổng kết 30 năm cũng cần có những thống kê làm rõ các vấn đề này để có định hướng rõ ràng hơn trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ”.

Xây dựng một báo cáo đánh giá tình hình các doanh nghiệp sản xuất phụ kiện đầu vào cung cấp cho các doanh nghiệp FDI là bước đi cần thiết và quan trọng đầu tiên để Việt Nam có thể có chính sách đúng đắn trong thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết khu vực trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp FDI.

Cuối năm 2017, trong khuôn khổ các hoạt động nhằm tổng kết 30 năm thu hút FDI, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã tổ chức hội thảo liên quan đến nội dung này. Con số được các chuyên gia nhắc tới là hiện chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia - một con số quá ít ỏi.

Không đề cập tính xác thực của con số này, song ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận,  liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa được như mong muốn.

Nhưng làm thế nào để giải được bài toán khó này? Ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã dẫn kinh nghiệm của Trung Quốc để cho rằng, cần có điều khoản ràng buộc đối với nhà đầu tư FDI khi đầu tư vào Việt Nam.

“Ở Trung Quốc, họ giám sát sau đầu tư rất chặt chẽ. Nếu sau một thời gian nhận các ưu đãi chính sách mà doanh nghiệp FDI không có sự liên kết, hay chuyển giao công nghệ thích ứng, thì các ưu đãi này sẽ bị rút lại”, ông Khôi nói.

Rõ ràng, cần những giải pháp quyết liệt, cụ thể và hiệu quả hơn để tăng cường liên kết FDI và nội địa.

30 năm FDI: Con đường tương lai
Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới vào giữa tháng 12/1986. Một năm sau, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời. Bởi thế,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư