-
T&T Group khởi công cụm công nghiệp lớn nhất Hà Nội -
Nghệ An kêu gọi đầu tư dự án nhiệt điện khí 2,15 tỷ USD -
Đà Nẵng nâng công suất mỏ khoáng sản, giải cơn "khát” vật liệu cho dự án trọng điểm -
Trà Vinh - điểm sáng về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh -
Khu công nghiệp Hiệp Phước mất cơ hội thu hút đầu tư vì chậm ban hành giá thuê đất -
Quảng Nam làm rõ việc chồng lấn quy hoạch khoáng sản và quy hoạch vùng huyện
Bài 5: Con đường tương lai
30 năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong thu hút FDI. Nhưng thế giới đã thay đổi, cạnh tranh thu hút FDI cũng đã khác. Việt Nam cũng đang nỗ lực để tiếp tục thực hiện công cuộc Đổi mới, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Bối cảnh ấy khiến chiến lược thu hút FDI cũng buộc phải thay đổi.
Bối cảnh mới, thách thức mới
Việt Nam, vào đúng thời điểm chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI, đã đón nhận một tin vui. Đó là năm 2017, đã có gần 36 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, đưa tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 3 thập kỷ qua lên gần 319 tỷ USD. Nếu chỉ nhìn lượng vốn đầu tư cố định làm thước đo của thành công, thì Việt Nam đã có thêm những thành công lớn trong thu hút FDI.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, vì thế chiến lược thu hút FDI giai đoạn tới cũng phải theo kịp sự phát triển này. |
Nhưng bối cảnh kinh tế thế giới đã khác. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi toàn thế giới. Kinh tế Việt Nam cũng đã khác so với 30 năm về trước, đang nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nếu vẫn thu hút các dự án thâm dụng lao động, vẫn dựa vào nhân công giá rẻ và ưu đãi để thu hút đầu tư, thì phần thắng sẽ không thuộc về Việt Nam.
“Có một thực tế mà Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thấy từ 5-6 năm trước. Đó là lợi ích ‘lan tỏa’ - thường gắn với gia tăng FDI, chưa đáp ứng được kỳ vọng tại Việt Nam, thậm chí còn cách xa kỳ vọng”, ông Wim Douw, Chuyên gia cao cấp về Chính sách đầu tư thương mại và cạnh tranh Ngân hàng Thế giới (WB) đã nói như vậy và cho biết, khi được hỏi, các nhà đầu tư đều cho rằng, chi phí lao động và chi phí năng lượng thấp, chính sách ưu đãi là những lý do chính để họ đầu tư vào Việt Nam.
“Đây là vấn đề đáng lo ngại trong cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam thời gian tới, bởi những lợi thế này sẽ dần mất đi”, ông Wim Douw bình luận.
Lo ngại là phải, bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo sự biến đổi toàn cầu, việc ứng dụng các đột phá như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo sẽ biến các công xưởng, nhà máy thành “nhà máy thông minh” và khi ấy, không cần đến sự tham gia của lao động thủ công.
“Khi nguyên lý ‘sản xuất tại nơi gần điểm tiêu thụ’ của thời đại công nghiệp 4.0 có thể biến các quốc gia và khu vực có khả năng tiêu thụ mạnh mẽ như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu quay trở lại vũ đài như là những nơi sản xuất đầy năng lực, thay cho các quốc gia đang phát triển tập trung nhiều nhà máy như hiện nay, thì những lợi thế về nhân công rẻ hay địa kinh tế, địa chính trị của Việt Nam sẽ mất đi”, ông Tetsu Funayama, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation Việt Nam thẳng thắn.
Câu chuyện tưởng là viễn cảnh xa vời, nhưng lại là một thách thức ngay trước mắt. Mất đi lợi thế, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh thu hút FDI với các đối thủ khác. Chưa kể, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI), khi kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ như hiện nay, không thể chấp nhận chuyện thu hút FDI chỉ đơn giản là để ghi thành tích nữa, mà phải hướng dòng vốn vào việc phục vụ nhu cầu phát triển. Ngay cả Myanmar, Campuchia cũng đã vươn lên nấc thang giá trị cao hơn. Việt Nam không thể cứ mãi dậm chân tại chỗ, để vướng bẫy thu nhập trung bình hay nguy cơ tụt hậu.
Chuyển từ “mở cửa” sang “gõ đúng cửa”
Thực tế, khi tổng kết 25 năm thu hút FDI, một định hướng mới trong thu hút FDI đã được Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh. Đó là sẽ tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, dự án của các tập đoàn đa quốc gia... Trong 5 năm qua, vốn FDI vào Việt Nam đã có thay đổi rất cơ bản, không chỉ về số lượng, mà cả chất lượng dòng vốn với nhiều dự án lớn về công nghệ cao.
“Nhưng như thế chưa đủ. Phần lớn vốn FDI vào Việt Nam vẫn tập trung trong các lĩnh vực sản xuất, tìm kiếm thị trường như bất động sản và bán lẻ cùng với sản xuất giá trị gia tăng tương đối thấp. Tới đây, cần chuyển dịch trọng tâm từ thu hút và báo cáo về số lượng FDI sang chất lượng FDI, phải chuyển dịch từ chính sách FDI chủ yếu mang tính bị động là mở cửa, sang chính sách FDI chủ động và có mục tiêu, tức là phải gõ đúng cửa”, ông Simon Bell, cố vấn cao cấp Chính sách đầu tư của WB bình luận.
Gõ đúng cửa, theo ông Simon Bell, là vẫn không quên những dự án FDI trong các lĩnh vực nền tảng như nông nghiệp, sản xuất cơ bản…, song đồng thời phải chuyển hướng sang những lĩnh vực công nghệ nguồn, mang tới R&D, giá trị gia tăng cao hơn, thu nhập tốt hơn, qua đó thúc đẩy tăng năng suất, đổi mới sáng tạo, duy trì tăng trưởng kinh tế “xanh” và toàn diện của Việt Nam…
Còn ông Tetsu Funayama, với vai trò đồng Chủ tịch luân phiên Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hiến kế, để tiếp tục kêu gọi FDI trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc quan trọng là phải suy nghĩ thấu đáo để đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: “Tại sao Việt Nam lại thích hợp để làm nơi sản xuất của các quốc gia phát triển?”.
“Việt Nam phải vừa nâng cao sức hấp dẫn với vai trò vừa là nơi sản xuất vừa là nơi tiêu thụ, thay cho nơi sản xuất đơn thuần. Đồng thời, tăng cường năng lực tự cung cấp một số nguyên vật liệu để khơi dậy tiềm năng trong vai trò là nhà đầu tư của ngành công nghiệp phụ trợ”, ông Funayama nói.
Một cách đơn giản hơn, vị chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực FDI - GS-TSKH. Nguyễn Mại - chỉ nói vắn tắt về những cân nhắc trong thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất xi măng, sắt thép, lọc hóa dầu…, cũng như định hướng ưu tiên trong thu hút đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường và việc tiếp cận các công nghệ tương lai để tạo ra giá trị gia tăng lớn…
“Cùng với tiếp tục thu hút FDI từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì cần coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia; coi trọng chính sách kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó nâng cao tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp trong nước và mang lại giá trị cao hơn cho nền kinh tế”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Thay lời kết
Trở lại câu chuyện về những chiếc chuyên cơ chở tỷ phú thế giới, những người được coi là đã làm nên diện mạo của kinh tế thế giới hiện nay, tới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2017. Đó là hình ảnh cho thấy, Việt Nam đã thành công ra sao trong thực hiện chính sách hội nhập rộng mở và mở cửa thu hút FDI.
Điều đó khiến nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan vui mừng. Trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư, ông đã một lần nữa nhấn mạnh vai trò của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như là “mũi đột phá đầu tiên” trong quá trình thu hút vốn FDI, cũng như trong quá trình Đổi mới, mở cửa hội nhập với thế giới của Việt Nam. Từ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với đóng góp rất lớn của nguyên Bộ trưởng Võ Đông Giang, nguyên Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân, cũng như GS. Lưu Văn Đạt và các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, Việt Nam đã từng bước tham gia các thể chế khu vực và toàn cầu, rồi ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ngày nay…
Theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã luôn coi Việt Nam là một bộ phận không tách rời của thế giới và chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại không chỉ về chính trị mà cả về kinh tế. Năm 1946, trong bức thư gửi Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ thuật của mình”. Kể từ đó, đặc biệt là sau Đổi mới 1986, chủ trương này đã được thực hiện nhất quán.
Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016) một lần nữa khẳng định chủ trương “tiếp tục hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”, đồng thời nhấn mạnh chủ trương “chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước”… “Điều đó có nghĩa, từ chỗ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư của nước ngoài, Đảng ta đã chuyển sang chủ trương vừa thúc đẩy xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài, vừa chú trọng thị trường trong nước”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói.
“Đi bằng hai chân”, phát triển cả hai chủ thể quan trọng của nền kinh tế là chủ trương đúng đắn. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn FDI.
“Trên con đường tương lai, điều đất nước cần là những đánh giá khách quan và chuẩn mực. Cái gì mình không làm được hoặc làm yếu, cần rộng cửa thu hút vốn bên ngoài. Cái gì có thể làm được và làm tốt thì để lại cho doanh nghiệp Việt Nam làm, trong mục tiêu chung là phải hiệu quả và bền vững”, khẳng định này của GS-TSKH. Nguyễn Mại có thể coi là một định hướng tốt cho con đường tương lai trong thu hút FDI của Việt Nam.
-
Trà Vinh - điểm sáng về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh -
Khu công nghiệp Hiệp Phước mất cơ hội thu hút đầu tư vì chậm ban hành giá thuê đất -
Quảng Nam làm rõ việc chồng lấn quy hoạch khoáng sản và quy hoạch vùng huyện -
FDI Nhật Bản hướng tới phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người Việt -
Bình Định: Công ty Minh Dư xin chấm dứt dự án chăn nuôi công nghệ cao 537 tỷ đồng -
Vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc: Việt Nam giữ nguyên sức hút -
Duyệt mặt bằng trung tâm thương mại 20 triệu USD; Đề xuất Trung ương chi 39.827 tỷ đồng làm Vành đai 4 TP.HCM
- Japfa trao 300 phần quà hỗ trợ học sinh đến trường
- NashTech tự hào đón nhận giải thưởng "Nơi làm việc tốt nhất châu Á" lần thứ tư liên tiếp
- Chính thức khai trương siêu thị FujiMart mới tại TTTM Diamond Plaza, 25 Lê Văn Lương, Hà Nội
- Nisshin Seifun Welna ra mắt sản phẩm tiêu dùng đa dạng tới người tiêu dùng Việt
- Gala Tiếng Việt thân thương 2024 “Lời quê hương - Lời sắt son”
- TTC AgriS góp mặt trong Top 500 Fortune Đông Nam Á, tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế