Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Kinh tế tăng trưởng ấn tượng và lạm phát thấp: Cơ hội để đẩy mạnh cải cách
Hà Nguyễn - 19/06/2018 07:33
 
Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao chính là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh cải cách.

Tiếp tục tiến lên

Một nhận xét rất đáng chú ý của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khi công bố dự báo mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam. Đó mức tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng trong năm 2017 và trong quý I/2018, lại song hành với lạm phát thấp đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên.

Mới là giữa tháng 6/2018, có nghĩa là phải gần nửa tháng nữa, số liệu về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam quý II/2018 và 6 tháng đầu năm 2018 mới chính thức được công bố. Tuy vậy, nhìn vào diễn biến nền kinh tế trong 2 tháng đầu của quý II/2018, có thể thấy rất rõ xu hướng tiếp tục đi lên của nền kinh tế.

“Đà đi lên” của nền kinh tế không chỉ thể hiện qua sản xuất công nghiệp hay nông nghiệp, mà còn ở kim ngạch xuất nhập khẩu. Ảnh: Đức Thanh
“Đà đi lên” của nền kinh tế không chỉ thể hiện qua sản xuất công nghiệp hay nông nghiệp, mà còn ở kim ngạch xuất nhập khẩu. Ảnh: Đức Thanh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2018 còn vui mừng nói rằng, ông nhìn thấy “khí thế mới trong phát triển”, khi mà nhiều địa phương đã năng nổ, chủ động tìm nguồn lực phát triển, thi đua để tăng trưởng. 

“Các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế và các ngân hàng thương mại được cải thiện xếp hạng tín nhiệm. Đặc biệt, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5 tăng lên 53,9 điểm, cao nhất trong ASEAN. Sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đều phát triển tốt”, Thủ tướng hồ hởi nhận xét như vậy.

Và quả thực, “đà đi lên” của nền kinh tế không chỉ thể hiện qua sản xuất công nghiệp hay nông nghiệp, mà còn ở kim ngạch xuất nhập khẩu, ở sự cải thiện mạnh mẽ của sức cầu trong nước. Một thông tin mới được Tổng cục Hải quan chính thức công bố, đó là cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vào nửa cuối tháng 5 vừa qua đã có sự đảo chiều, đạt mức thặng dư 0,34 tỷ USD sau khi có thâm hụt trong nửa đầu tháng. 

Với sự đảo chiều này, thặng dư cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đang ở mức 2,67 tỷ USD. 6 tháng đầu năm ngoái, Việt Nam thậm chí đã nhập siêu tới 2,777 tỷ USD. Chỉ so sánh chỉ số này, đã có thể khẳng định “sức đi lên” của nền kinh tế. Xuất siêu lớn đồng nghĩa với xuất khẩu tăng cao, sản xuất trong nước tích cực.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà WB bất ngờ điều chỉnh dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam từ mức 6,5% hồi tháng 4/2018, lên mức 6,8% cách đây ít ngày. Theo WB, những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế còn nằm ở “kết quả vững vàng” về thương mại và thu hút FDI, ở sự ổn định của tỷ giá, trong khi dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, cũng như khả năng lạm phát được kiềm giữ ở mức 4%…

Cũng theo WB, triển vọng trung hạn của Việt Nam tiếp tục cải thiện. GDP dự kiến tăng 6,8% trong năm nay trước khi ổn định lại ở mức 6,6% vào năm 2019 và 6,5% vào năm 2020, do sức cầu trên thế giới dự kiến sẽ chững lại.

Cơ hội để cải cách

Kinh tế đang tiếp tục đà tăng trưởng, trong khi vĩ mô ổn định, lạm phát thấp. Đó là những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Nhưng quan trọng hơn, theo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng của WB, điều kiện kinh tế thuận lợi như hiện nay, với tăng trưởng cao và lạm phát thấp, đang là “cơ hội đặc biệt để Việt Nam đẩy mạnh cải cách”.

Những cải cách cụ thể được ông Sebastian Eckardt chỉ ra bao gồm cải cách các quy định để loại bỏ rào cản và giảm chi phí hoạt động của khu vực tư nhân, đầu tư cho nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao, đồng thời tiếp tục cải cách để nâng cao năng suất của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó là xử lý một số yếu tố dễ gây tổn thương, củng cố khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc có thể đến trong tương lai, loại bỏ một số trở ngại cho tăng trưởng trong trung hạn.

Trên thực tế, việc cải cách đã được Chính phủ đẩy mạnh thực hiện, đặc biệt trong cắt giảm các thủ tục và điều kiện kinh doanh, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp.

Trên thực tế, việc cải cách đã được Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt trong cắt giảm các thủ tục và điều kiện kinh doanh, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành phải nhanh chóng xác định mục tiêu, đối tượng, trọng tâm hỗ trợ để xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, bố trí nguồn kinh phí thường xuyên thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước…

Trong khi đó, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV cũng vừa thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Đây chính là nội dung đã được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp này.

Theo Nghị quyết, chậm nhất tháng 5/2019, phải ban hành văn bản quy định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước... Đến năm 2020, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp…

Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước…

Đây chính là những biện pháp mạnh tay của Chính phủ trong thực hiện đẩy mạnh cải cách. Và đó là một trong những nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam tiếp tục tiến lên.

Động lực tăng trưởng quan trọng nhất là cải cách
Có 3 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 và các năm tiếp theo, đó là cải cách thể chế, tăng năng suất lao động và phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư