Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sức nóng cải cách
Bảo Duy - 16/05/2018 08:04
 
Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức ký ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 19-2018).

Đây là lần thứ năm liên tiếp, một danh mục rất chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được liệt kê. Cách thức áp đặt mục tiêu theo các tiêu chí so sánh với khu vực và thế giới; phân giao nhiệm vụ từ trên xuống của Nghị quyết 19 được duy trì. Một lần nữa, mục tiêu xếp hạng bằng mức trung bình của các nước ASEAN 4 (gồm các nền kinh tế Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) được nhắc lại.

.
Năm 2017, Hàng loạt phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh được công bố với tỷ lệ cắt giảm hầu hết đạt và vượt yêu cầu 50% của Thủ tướng Chính phủ

Cách đây 3 năm, trong Nghị quyết 19 phiên bản 2015, mục tiêu đạt mức trung bình của ASEAN trên 10 chỉ tiêu theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo Môi trường kinh doanh được đặt ra cho năm 2016, sau khi mục tiêu ASEAN 6 đạt được. Kể từ đó, mục tiêu này liên tục có mặt trong Nghị quyết 19, với sự lui dần về mốc thực thi.

Lần này, tại Nghị quyết 19-2018, hạn định dành cho mục tiêu này được xác định là cho đến 2020. Đi kèm đó là yêu cầu yêu cầu thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ. Thậm chí, nguyên tắc thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong cải cách thủ tục hành chính hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng... được ghi rất rõ.

Cuộc đua đã trở nên căng thẳng, khó khăn hơn rất nhiều không chỉ giữa môi trường kinh doanh Việt Nam với các nền kinh tế, mà còn trong chính nội bộ từng bộ, ngành thuộc bộ máy nhà nước.

Trên thực tế, với các phiên bản Nghị quyết số 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục được cải thiện.

Minh chứng là năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được cho đến nay.

Cũng trong năm 2017, áp lực cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu... được đẩy cao, truyền cảm hứng mới trong cuộc chiến nói không với các rào cản kinh doanh. Chưa bao giờ, sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương rõ nét như vậy... Hàng loạt phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh được công bố với tỷ lệ cắt giảm hầu hết đạt và vượt yêu cầu 50% của Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng so với khu vực, những cải thiện nói trên về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn chưa bền vững và chưa đạt được mục tiêu đề ra; thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý là hầu như không có sự cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong nhiều năm qua, thậm chí một số chỉ số quan trọng khác còn tụt hạng. Đặc biệt, tính hình thức trong không ít phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được phát hiện. Nhiều điều kiện kinh doanh được gộp lại, thể hiện dưới các hình thức khác, nhưng bản chất không đổi.

Ngay trong những giải trình cuối cùng trước khi Nghị quyết 19-2018 được đặt bút ký, vẫn xuất hiện các đề nghị giữ lại những thủ tục theo kiểu thủ công, được xây dựng cách đây cả chục năm, không quốc gia nào còn áp dụng...

Rõ ràng, sức nóng cải cách vẫn chưa lan đều ở các bộ, ngành, trong từng đơn vị, tổ chức... cả về tính chủ động, quyết liệt và kết quả đạt được. Nếu không cải thiện tình hình này, thì rất khó khẳng định được mục tiêu chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ ngang hàng trung bình các nước ASEAN vào năm 2020.

Đó là chưa kể một loạt mục tiêu mới được đặt ra, như khởi sự kinh doanh tăng ít nhất 40 bậc; chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng, chỉ số giải quyết phá sản tăng thêm 10 bậc; cải thiện năng lực cạnh tranh ngành du lịch thêm khoảng 10 bậc (hiện ở thứ hạng 67); từng bước giảm chi phí logistics trong nền kinh tế xuống khoảng 18% GDP (hiện tương đương hơn 20% GDP); cải thiện Chỉ số Hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64)...

Cuộc đua với ASEAN 4 không thể có kết quả nếu như không có sự thay đổi quyết liệt, thậm chí mang tính sống còn ngay trong tư duy quản lý của từng bộ, ngành, địa phương...

Ban hành Nghị quyết về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp
Ngày 22/3, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký đã ban hành Nghị quyết về định hướng xây dựng chính sách phát triển công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư