Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Phát triển xe đạp trong giao thông đô thị Việt Nam từ kinh nghiệm Pháp và Hà Lan
Kỳ Thành - 18/11/2016 08:32
 
Được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Xe hai bánh Việt Nam lần thứ 5 - VIETNAM CYCLE 2016, chiều 17/11, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Phát triển Xe đạp trong giao thông đô thị - Kinh nghiệm Quốc tế và khả năng áp dụng tại Việt Nam”.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Theo ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Ô tô Xe máy Xe đạp Việt Nam, buổi Tọa đàm cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của Chính phủ Việt Nam trong phát triển giao thông bằng xe đạp như một phương tiện của xã hội văn minh hơn vì sức khỏe, vì môi trường và an toàn giao thông.

Việt Nam là một quốc gia có số lượng sử dụng xe máy nhiều, tạo nên tình trạng giao thông tắc nghẽn và bầu không khí ô nhiễm. Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý và người dân vô cùng quan tâm, Chính phủ Việt Nam những năm gần đây đã đưa ra nhiều chính sách hạn chế sản xuất xe máy đồng hành cùng với đó là tuyên truyền vận động người dân sử dụng xe đạp. Thị trường xe đạp Việt Nam cũng vì thế mà phát triển nhanh chóng với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu xe đạp nổi tiếng trên thế giới.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Lionel Bayard, Giám đốc phát triển xe đạp Peugeot của Pháp cho hay, nước Pháp đang đứng thứ 3 ở châu Âu với 2,9 triệu xe đạp được bán ra, sau nước Đức (4,1 triệu) và nước Anh (3,6 triệu xe).

Năm 2015 là một năm kỷ lục của thị trường Pháp khi tổng số xe đạp và phụ kiện được bán ra lên tới 1,7 tỷ euro; trong đó, có 961 triệu Euro là doanh thu từ xe đạp và 729 triệu Euro từ phụ kiện khác.

Số lượng xe đạp ở Pháp còn tăng hơn số lượng xe máy bán ra và tiếp tục có xu hướng giảm dần phương tiện xe máy và ô tô. Đây là lý do có rất nhiều nhà đầu tư cũng như các công ty ngày càng tập trung đầu tư sản xuất xe đạp ở Pháp.

Đáng chú ý, trong các hoạt động, xe đạp đứng thứ hai trong các hoạt động thể chất của người Pháp, sau đi bộ. Để làm được việc này, Pháp đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế phương tiện tham gia thông là xe máy và ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải.

Đồng thời, đặt tới 55.000 trạm xe đạp tự do ở khắp 42 thành phố; khuyến khích và tạo sự hỗ trợ tối đa nhất cho người dân di chuyển bằng xe đạp, kể cả người già và trẻ em. Đến nay, xe đạp là mắt xích cuối cùng của chuỗi di chuyển đa phương tiện (tàu - ô tô - tàu điện ngầm) của người dân.

Mới đây, Quốc hội Pháp cũng thông qua các biện pháp để phát triển đi xe đạp. Cụ thể là giảm thuế cho những người sử dụng xe đạp để di chuyển tới nơi làm việc; hỗ trợ xe đạp miễn phí hoặc có những trợ cấp theo tuyến di chuyển bằng xe này. Trong khi đó, các toà nhà mới cũng phải đảm bảo việc cung cấp chỗ để xe đạp cho khách…

Tất cả những điều này giúp người tiêu dùng giảm thiểu chi phí (so với các phương tiện khác) cùng ưu thế về việc di chuyển, tiện lợi, phù hợp với cuộc sống hiện đại. “Có thể khẳng định, ở Pháp đang có một sự hồi sinh trong việc sử dụng xe đạp như một công cụ di chuyển thường ngày thay cho xe máy”, ông Lionel Bayard nhấn mạnh.

Ngài Marc Van Der Linden, Bí thư thứ nhất phụ trách kinh tế Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam chia sẻ, không có nước nào trên thế giới có tỷ lệ dân số dùng xe đạp nhiều hơn Hà Lan, bởi số xe đạp tại Hà Lan nhiều hơn cả dân số, với 22 triệu xe đạp trên 17 triệu dân số. Trong đó, 25% dân số đi xe đạp hàng ngày, nếu tính riêng thành thị thì con số này là 50% và mỗi người Hà Lan hàng năm đi trung bình 1.000 km bằng xe đạp.

Tuy nhiên, những con số ấn tượng này không phải đạt được một cách tự nhiên. Trước sự gia tăng phương tiện ô tô từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, đi kèm với đó là khủng hoảng dầu mỏ, Chính phủ Hà Lan đã tích cực đầu tư hạ tầng cho việc sử dụng xe đạp, thay đổi quan điểm của người dân để họ dùng xe đạp nhiều hơn ngay từ những năm 70.

Để thúc đẩy việc sử dụng xe đạp, Hà Lan đã phát triển hệ thống chỗ đỗ xe đạp và dành quyền ưu tiên cho xe đạp trên cả ô tô, xe máy, tạo ra hạ tầng cho xe đạp giống như cho ô tô.

Cùng với đó, Hà Lan cũng đẩy mạnh việc truyền thông, giảng dạy về lợi ích từ thói quen đi xe đạp cho học sinh ngay từ cấp trung học, khuyến khích người dân sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động để quản lý việc đi xe đạp. Từ những thông số này, Chính phủ tính toán được quy hoạch cần thiết về hạ tầng để tốt nhất cho người đi xe đạp.

Theo ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội, “tất cả những bài học thành công của thế giới chỉ giúp chúng ta thông minh hơn, còn để Việt Nam thành công phải có con đường riêng”.

Ông Trường lý giải, việc sử dụng xe đạp chỉ phù hợp khi quãng đường di chuyển ngắn hoặc trung bình trong thời điểm thích hợp; Kết nối xe đạp với xe bus, đường sắt đô thị trong tương lai.

Theo một khảo sát mới nhất, để đi xe bus, người sử dụng phải đi bộ 500-600m, và đi bộ 1,2km nếu ở ngoại thành, do đó xu hướng đi xe bus giảm và điều này trái với mong muốn của nhà quản lý.

Vì vậy, ông Trường cho biết hiện các cơ quan chức năng đã nghĩ đến các phương tiện vận tải kết nối với tuyến đường sắt đô thị. “Bản thân tuyến đường sắt đô thị sẽ là ngôi sao cô đơn nếu không có các phương tiện khác kết nối với nó”, ông Trường bày tỏ.

“Chúng tôi đang cùng Sở Giao thông vận tải đề xuất với UBND Thành phố kết nối trên 3 phương diện: Kết nối về mặt giao thông, kết nối vận tải và cơ chế chính sách. Tuy nhiên, không chờ đủ các điều kiện mới triển khai, mà làm ngay từ bây giờ để kết nối xe đạp, xe bus với tàu điện”, ông Trường nói.

Độ tuổi nào được sử dụng xe đạp điện?
Xe đạp điện không phải là xe gắn máy mà được áp dụng là xe thô sơ và không có quy định về hành vi điều khiển xe đạp điện đối với người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư