Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Sáng nay bắt đầu xét xử đại án tham ô tại PVC
Bùi Trang - Đỗ Mến - 08/01/2018 07:01
 
Sáng nay (8/1), theo kế hoạch, Tòa án nhân dân TP Hà Nội bắt đầu phiên tòa sơ thẩm xét xử trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999) xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC.
Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam
Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam

Đây là phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm. Thời gian xét xử dự kiến kéo dài 2 tuần lễ, dự kiến kết thúc ngày 21/1. Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam sẽ ra tòa cùng 21 bị cáo khác.

Hội đồng xét xử sơ thẩm có 5 người, gồm thẩm phán chủ tọa Nguyễn Ngọc Huân, thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội) cùng 3 hội thẩm nhân dân. Tòa án Hà Nội bố trí một thẩm phán dự khuyết và hai hội thẩm nhân dân dự khuyết.

Giữ quyền công tố tại phiên tòa là 3 kiểm sát viên gồm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội Đào Thịnh Cường và 2 kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Minh Đồng, Nguyễn Mạnh Thường. VKSND TP Hà Nội cũng bố trí 2 kiểm sát viên dự khuyết tại phiên xử.

Có 42 luật sư đăng ký tham gia phiên tòa. Ông Thăng có 3 luật sư bào chữa gồm luật sư Nguyễn Huy Thiệp, luật sư Đào Hữu Đăng, luật sư Phan Trung Hoài. Ông Trịnh Xuân Thanh có 5 luật sư, ông Phùng Đình Thực có ba luật sư, ông Nguyễn Xuân Sơn có một luật sư, ông Ninh Văn Quỳnh có một luật sư.

Hai nguyên đơn dân sự của vụ án là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVC. Tòa dự kiến mời đến phiên xử 7 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 31 người làm chứng và 6 người tham gia giám định.

Được biết, đây là phiên toà đầu tiên Hà Nội áp dụng thông tư mới của TAND Tối cao về phòng xử án (có hiệu lực từ ngày 1/1).

Phiên tòa sẽ không có vành móng ngựa. Các bị cáo sẽ có chỗ ngồi riêng, bên dưới luật sư bào chữa và đại diện cơ quan công tố. Trong khi trả lời thẩm vấn, các bị cáo sẽ đứng trước bàn khai báo. Những người tham gia tố tụng khác có thể đứng tại chỗ để khai báo.

Trong một diễn biến khác, ngay trước khi phiên tòa diễn ra, người thân của bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chủ động đến Cục Thi hành án Dân sự TP Hà Nội tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền 2 tỷ đồng. Tương tự, gia đình của hai bị cáo khác là Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN và Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC cũng nộp tổng cộng hơn 3 tỷ đồng tại cơ quan thi hành án.

Theo cáo buộc, tháng 10/2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được Bộ Công thương giao làm đầu mối đầu tư dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ngày 18/6/2010, ông Thăng (khi đó là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam) đã thay mặt HĐTV PVN ký Nghị quyết đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu khi chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu

PVC đã được chỉ địn thực hiện gói thầu EPC của dự án và chỉ đạo các cá nhân, đơn vị cấp dưới thực hiện việc ký hợp đồng số 33 trái quy định.

Căn cứ hợp đồng này PVN đã tạm ứng hơn 6.6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC. Cơ quan chức năng cho rằng, việc tạm ứng số tiền này là trái với quy định của Nghị định Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

Đến ngày 22/11/2017, số tiền mới thu hồi được gần 1.100 tỷ đồng, PVN còn thiệt hại hơn 119 tỷ đồng.

Trong vụ án này, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC và 10 bị cáo còn bị cáo buộc tham ô hơn 13 tỷ đồng từ việc lập khống chứng từ rút tiền từ việc thi công bốn hạng mục tại Dự án Nhiệt điện Vũng Áng.

Tin chính thức từ Bộ Công An: Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú
Gần 10 tháng bị truy nã quốc tế, nghi can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư