Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng mạnh
Kỳ Thành - 30/10/2016 08:17
 
22.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại là con số vừa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng công bố và đánh giá sẽ tạo ra của cải vật chất ngay cho xã hội.
"Các doanh nghiệp hoạt động trở lại sẽ tạo ra sản phẩm, của cải vật chất ngay cho xã hội" (Ảnh minh họa)

Môi trường kinh doanh cải thiện rõ rệt

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 29/10, một thông tin đáng chú ý là trong 10 tháng năm 2016, có 91.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 18,3%, với số vốn đăng ký là 710.000 tỷ đồng, tăng 46,5% so với cùng kỳ của 2015. Đặc biệt hơn nữa là có 22.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại sau thời gian gặp khó khăn có thể liên quan đến điều kiện kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, vốn,  khả năng cạnh tranh, thị trường dịch vụ. "Số doanh nghiệp này sẽ tạo ra sản phẩm, của cải vật chất ngay cho xã hội", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá.

Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao trong việc tăng các bậc của Việt Nam. Tính thời điểm đến 1/7 để tính toán cho năm 2017, Việt Nam sẽ tăng hạng tới 9 bậc so với 2016, trong đó một số chỉ tiêu rất tốt. Đó là dịch vụ tiếp cận điện năng tăng 5 bậc lên thứ 96 trong bảng xếp hạng, chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng tới 31 bậc lên xếp hạng thứ 87 trên thế giới, chỉ tiêu nộp thuế  tăng 11 bậc lên xếp hạng 167, tiêu chí giao thương quốc tế tăng 15 bậc lên xếp hạng thứ 93. Việt Nam đang đứng thứ 5 trong xếp hạng môi trường kinh doanh ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2016, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong tháng 10 nước ta chịu ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề của đợt bão  lũ tại các tỉnh  miền Trung, với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc, quyết tâm của các cấp, các ngành, của người dân và doanh nghiệp, tình hình kinh tế -xã hội trong 10 tháng, đặc biệt là tháng 10, có nhiều chuyển biến tích cực.

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp là 7,2%, thấp hơn so với cùng kỳ 2016 nhưng đây là chỉ tiêu đáng mừng. Nông nghiệp đang có chiều hướng tích cực, nhất là thủy sản tăng 2% so với cùng kỳ, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng tăng khá tốt. Chỉ tiêu xuất khẩu trong 10 tháng tăng 7,2% (cùng kỳ của năm 2015 tăng 8,8%).

"Không đợi ăn Tết xong mới bắt tay vào việc"

Bên cạnh những mặt tích cực trên, trong 10 tháng đầu năm, nền kinh tế nước ta còn khó khăn, thách thức, đó là nỗ lực để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,3-6,5% của năm 2016, kiểm soát lạm phát theo nghị quyết của Quốc hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô, GDP quý IV phải đạt cố gắng cao nhất là từ 7,1-7,7% thì GDP cả năm mới đạt mục tiêu 6,3-6,5%.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải chấm dứt tình trạng bị động, chuẩn bị tốt cho năm sau cả về kế hoạch, nguồn lực, cơ chế, thể chế, không phải đợi đến ăn Tết xong mới bắt tay vào việc. Như vậy là không để quý I tăng trưởng thấp mà quý I của năm 2017 là tăng trưởng luôn với tinh thần chủ động, tích cực nhất trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhiều doanh nghiệp trẻ ASEAN tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam
Làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Hội Doanh nhân trẻ các quốc gia trong ASEAN cho biết đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư