Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tìm bước đột phá cho hoạt động M&A 2017
Anh Hoa - 21/07/2017 08:23
 
Nếu không có những động thái mạnh mẽ hơn, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ chững lại khi những thách thức đối với tăng trưởng M&A tại Việt Nam đang ngày càng lộ rõ.

Những thách thức lớn

Chưa bao giờ, thị trường M&A Việt Nam lại trải qua cơn biến động mạnh mẽ như năm 2016, khi thị trường chứng kiến nhiều thương vụ lớn nhỏ lần lượt được các nhà đầu tư ra quyết định khá nhanh chóng. Điều đó khiến tổng giá trị M&A năm 2016 theo thống kê của IMAA đạt mốc kỷ lục 5,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015. Trong đó, chủ yếu là các thương vụ lớn của nhà đầu tư nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trao đổi thông tin về Diễn đàn M&A 2017 tại buổi họp báo tổ chức ngày 20/7 tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh
Trao đổi thông tin về Diễn đàn M&A 2017 tại buổi họp báo tổ chức ngày 20/7 tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Tuy nhiên, các thương vụ lớn tập trung chủ yếu vào nửa đầu năm 2016. Từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường có dấu hiệu chững lại, khi chưa có nhiều thương vụ quy mô và có chất lượng được công bố. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị M&A tại Việt Nam chỉ đạt 1,63 tỷ USD, với 102 thương vụ (so với 160 thương vụ, có tổng giá trị 5,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2016). Diễn biến trên khiến giới chuyên môn dự báo, năm nay, nếu không tạo ra những yếu tố đột phá, giá trị M&A sẽ không dễ vượt qua con số 5,8 tỷ USD của năm 2016.

Tại cuộc họp báo Diễn đàn M&A tổ chức ngày hôm qua tại Hà Nội, 3 thách thức đối với tăng trưởng M&A tại Việt Nam năm nay đã được đưa ra.

Một là, Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia trong khu vực trong việc thu hút dòng vốn ngoại.

Hai là, nguồn cung lớn cho M&A từ việc cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Mặc dù hạn chế sở hữu nước ngoài đã khá cởi mở, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục cần phải thực hiện, kể cả công ty đại chúng.

Ba là, có quá ít các công ty quy mô đủ lớn để thuận lợi cho M&A, nhất là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước, hơn thế, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn chưa sẵn sàng để chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài thông thường chỉ quan tâm đến việc đầu tư vốn cổ phần vào các doanh nghiệp có quy mô doanh thu hàng năm từ khoảng 15 triệu USD (hoặc 300 tỷ đồng) trở lên. Với các doanh nghiệp có doanh thu 200 tỷ đồng, thì phụ thuộc vào sự hấp dẫn của ngành nghề kinh doanh và tốc độ tăng trưởng dự kiến.

Do đó, để giá trị M&A đạt được ít nhất như năm 2016 đòi hỏi phải tạo ra được một cú hích lớn từ các doanh nghiệp và của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, để tận dụng được cơ hội thu hút dòng vốn ngoại.

Hiến kế “kích nổ” các siêu thương vụ

Hoạt động M&A trong năm 2016 được thúc đẩy chủ yếu bởi các “siêu thương vụ” (với 22/308 thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD), chiếm 70% tổng giá trị đầu tư thông qua hoạt động đầu tư năm 2016. Năm nay, Việt Nam cũng cần nhận diện và hiện thực hóa các cơ hội nhiều hơn.

Theo ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, để thị trường Việt Nam có thể đạt giá trị như mục tiêu, thì điều kiện cần thiết là phải “kích nổ” các thương vụ lớn. Theo đó, nếu hai “vụ nổ lớn” là Sabeco, Habeco mà được kích hoạt trong năm nay, thì giá trị thị trường M&A Việt Nam sẽ đạt cao hơn kỳ vọng nhiều.

“Tôi nghĩ, hoạt động M&A ở Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi họ không đơn giản là mở rộng địa bàn kinh doanh đa quốc gia, mà còn nhằm ngăn chặn nguy cơ cạnh tranh từ các đối thủ đang lớn dần lên ở Việt Nam”, ông Thinh nói.

Dĩ nhiên, đây chỉ là những nhận định bước đầu, bởi vẫn còn nhiều “món ngon” đang chờ ở phía trước, khi các nhà đầu tư sẽ có cơ hội nhìn nhận và chia sẻ chiến lược của mình tại Diễn đàn M&A sẽ diễn ra tại TP.HCM trong tháng tới.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn M&A 2017, cho biết: “Để góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường, tạo đột phá mạnh mẽ trong chu kỳ cuối của làn sóng M&A thứ hai, chúng tôi quyết định chọn chủ đề của Diễn đàn M&A 2017 là “Tìm bước đột phá”.

Do đó, tại Diễn đàn năm nay, các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ cùng nhau thảo luận tìm ra các lĩnh vực và các yếu tố đột phá cho thị trường. Đó là khả năng đột phá về nguồn hàng từ các cuộc IPO lớn, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước; đột phá hơn nữa về cơ chế chính sách, quy trình, thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động M&A, như việc tháo gỡ chính sách cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp lớn, nới “room” đối với nhà đầu tư nước ngoài, đột phá từ nguồn vốn ngoại….

Đặc biệt, Diễn đàn cũng kỳ vọng lớn vào dòng vốn từ Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ có đổ nhiều hơn vào thị trường Việt Nam sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ và Nhật Bản hồi tháng 6 vừa qua.

Như vậy, với sự tham gia của 500 đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế - những người quyết định và tạo lập cho 85% giá trị các thương vụ diễn ra tại Việt Nam, Diễn đàn M&A 2017 tại TP.HCM sắp tới đang nóng lên từng ngày. Và đó sẽ là nơi nhà đầu tư  tìm được cơ hội cho mình.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP.HCM ngày 10/08/2017, với chủ đề “Tìm bước đột phá”.
Đây là sự kiện thường niên lớn nhất về hoạt động M&A doanh nghiệp và kết nối đầu tư tại Việt Nam, quy tụ các nhà làm chính sách, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp.
Bên cạnh Hội thảo chuyên sâu về hoạt động M&A tại Việt Nam với chủ đề “Tìm bước đột phá”; Gala dinner &Vinh danh các Thương vụ & Nhà tư vấn M&A tiêu biểu năm 2016 - 2017; Diễn đàn sẽ Phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A doanh nghiệp Việt Nam năm 2017” và Khóa đào tạo cao cấp về Chiến lược M&A.

 

Diễn đàn M&A 2017 với chủ đề Tạo bước đột phá
Từ năm 2014 đến nay, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) đã xuất hiện nhiều đợt “sóng” lớn, lớp sau luôn cao hơn lớp trước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư