Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sam Holdings: Không thể diễn với tiền tỷ
Khánh An - 09/11/2017 09:43
 
Sự có mặt của ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sam Holdings trong Chương trình truyền hình thực tế Shark Tank có thể đánh dấu lần khởi nghiệp mới của... cá mập này.

Áp lực của “cá mập”

Cả giới đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam đang nhìn vào buổi công chiếu đầu tiên của Shark Tank Việt Nam - chương trình truyền hình thực tế về đầu tư khởi nghiệp - vào ngày 11/11 với thái độ thăm dò pha lẫn tò mò. Không chỉ bởi đây là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên dành cho giới khởi nghiệp được đầu tư khủng, tới 70 tỷ đồng, dành để tài trợ giai đoạn đầu cho các dự án khởi nghiệp được lựa chọn, mà còn là sự xuất hiện lần đầu của các  doanh nhân tên tuổi trong vai... cá mập - shark (nhà đầu tư).

Phải nói rõ, Shark Tank là chương trình truyền hình thực tế thuộc Sony Picture, với 2 phiên bản thành công nổi tiếng là Shark Tank và Dragons’ Den. Tại Shark Tank, các công ty khởi nghiệp thực hiện các bài thuyết trình trước một hội đồng các nhà đầu tư và những nhà đầu tư này sẽ lựa chọn đầu tư hoặc không. Nghĩa là start-up và shark đều được trao cơ hội khởi nghiệp và đầu tư cùng nhau, có thể kiếm được hoặc tay trắng ra về nếu không có quyết định đúng.

.
Doanh nhân Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sam Holdings

Tại Việt Nam, chương trình đã được khởi động từ cuối năm 2016, với các vòng tuyển chọn start-up. Những start-up có mặt trong vòng ghi hình có thể coi là những người đang sở hữu ý tưởng, dự án có tiềm năng nhất, có nhiều yếu tố hấp dẫn giới đầu tư mạo hiểm. “Gọi là sân chơi, nhưng không thể diễn với tiền tỷ được. Cá mập áp lực không kém start-up trong từng vòng thương thuyết”, ông Vương thừa nhận.

Việc mà cá mập phải làm là thương thuyết với start-up mà họ muốn đầu tư cả về vốn đầu tư và số cổ phần tương xứng được trả lại (cổ phiếu, cổ phần và các lợi ích khác) ngay tại chương trình. Theo quy định, nếu không đồng ý với đề nghị góp vốn của shark, start-up có quyền từ chối, mang dự án ra về. Còn nếu shark đã từ chối tại Chương trình, thì không được quyền liên hệ lại với start-up, kể cả sau chương trình.

Hơn thế, với cả các quyết định đầu tư đã thương lượng thành công tại chương trình, các cá mập chỉ có thể đàm phán về tỷ lệ cổ phần hay phần vốn góp sở hữu trong công ty mà start-up mang ra trao đổi, còn số tiền đầu tư mà thí sinh yêu cầu tại chương trình thì chỉ có tăng mà không được giảm.

“Có lẽ tôi phải học cách quyết liệt, thậm chí giành giật hơn khi đàm phán để có được các thương vụ tốt. Tranh biện và thuyết phục có lẽ là điểm còn yếu trong văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sam Holdings nói.

Khởi nghiệp với start-up

Ba tuần trước khi Chương trình Shark Tank Việt Nam chính thức phát sóng, HĐQT Công ty cổ phần Sam Holdings đã thông qua giá trị đầu tư tối đa vào toàn bộ Chương trình là 10 tỷ đồng, ủy quyền cho CEO Trần Anh Vương thực hiện các thủ tục. Với quyết định này, ông Vương chính thức bước chân vào địa hạt mới - lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. “Trong vòng 5 năm tới, đầu tư vào các start-up chính là start-up của tôi”, ông Vương háo hức.

Khởi nghiệp lần đầu tiên vào năm 1998, ông Vương đã được biết đến là doanh nhân nhiều chìm nổi trong ngành thép. Chính ngay trong lúc khó khăn nhất, ông Vương đã lại tìm đường... khởi nghiệp, bước chân vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, trở thành thầu phụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

“Thị trường, cả cơ hội và điều kiện hiện giờ rất khác, thậm chí là “khoa học viễn tưởng” với những gì thế hệ chúng tôi đối mặt. Điều này hấp dẫn tôi quan tâm tới khởi nghiệp - môi trường luôn mới với vô vàn đối tác hấp dẫn”, ông Vương lý giải.

Trong góc nhìn của cá mập đang... thử việc này, nền kinh tế số, là độ mở của kinh tế Việt Nam và sự hậu thuẫn của Chính phủ với khởi nghiệp là những điều kiện đáng mơ ước với các dự án khởi nghiệp. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các start-up thế hệ 8x-9x, đã khiến ông và những cá mập tham gia chương trình thực sự phấn khích.

“Chúng tôi muốn nhân rộng sự phấn khích của mình, để cùng tạo nên một môi trường ủng hộ khởi nghiệp mạnh mẽ và thiết thực. Vì so với start-up một số nước, giới trẻ Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều yếu tố để đi thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn”, ông Vương chia sẻ.

Theo ông Vương, sự mộc mạc, trung thực của start-up sẽ tác động đến quyết định xuống tiền của cá mập này, nhưng điều đó có thể chỉ là bước chào sàn đầu tiên... Sân chơi tiền tỷ này cần các thương vụ thực sự hấp dẫn và chuyên nghiệp...

Chat với cá mập Trần Anh Vương:

Ông thấy Chương trình Shark Tank có gì hấp dẫn?

Tính thực tiễn cao, phần show (trình diễn) gần như không có vì không thể show với đồng tiền được.

Các cá mập muốn gì từ chương trình này?

Cơ hội có được những start-up thực sự có chất lượng mà... không quá mất công đi tìm.

Còn danh tiếng?

Cá mập chỉ tạo nên danh tiếng nếu quyết định đầu tư cho start-up hiệu quả. Phần này thì có lẽ phải đợi đến mùa sau, khi các thương vụ có kết quả và được công bố.

Điểm yếu của cá mập?

Sự quyết liệt trong thương thuyết, giành giật các thương vụ tốt có thể chưa mạnh, vì đây là mùa đầu. Cá mập cần học thêm.

Tại sao ông lại trở thành cá mập?

Tôi muốn làm việc trong một môi trường luôn đổi mới, được sống với đam mê của mình và quan trọng nhất là được làm việc với nhiều đối tác khác nhau, tìm kiếm được nhiều dự án phù hợp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư