Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tránh làm “mồi ngon” cho doanh nghiệp ngoại
Nguyên Đức - 26/01/2014 08:09
 
Khi mà các quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, đây là thời điểm tốt để mua lại doanh nghiệp (DN) Việt, thì hơn bao giờ hết, các DN Việt Nam phải tìm cách để không trở thành “mồi ngon” cho đối tác nước ngoài. Nhà đầu tư Trung Quốc đang thâu tóm BĐS Việt Nam  

Tháng 11/2013, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin tài chính Bloomberg, ông Avinash Satwalekar, Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Quản lý quỹ Vietcombank Fund Management - liên doanh giữa Templeton với Ngân hàng Vietcombank - không ngần ngại cho rằng, đây là thời điểm để các nhà đầu tư mua lại các công ty Việt Nam, trước khi nền kinh tế tăng tốc trở lại.

Ông Nguyễn Mạnh Trường

“Thời điểm tốt nhất để đầu tư là khi còn ‘tranh tối tranh sáng’. Khi mọi thứ đã trở nên rõ ràng, thì đó là lúc ai cũng có thể đầu tư”, ông Satwaleka nói.

Phát biểu này khiến không ít DN Việt Nam giật mình, dù trên thực tế, những năm qua, khi kinh tế khó khăn, không ít thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) DN đã được tiến hành. Và cũng không ít DN nội bị thâu tóm bởi đối tác ngoại, hoặc ít nhất là đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm.

Chẳng hạn, Tribeco, thương hiệu nước giải khát một thời là niềm tự hào của hàng Việt, đã bị Uni-President Việt Nam (Thái Lan) thâu tóm. Còn Bibica thì đối mặt với nguy cơ bị Lotte thâu tóm. Trước đó rất lâu, một bài học nhãn tiền là ông chủ kem đánh răng Dạ Lan đã bán thương hiệu này cho Colgate và sau đó, bị Colgate “vứt xó” thương hiệu Dạ Lan và bành trướng Colgate…

Trong khi đó, cuối quý I/2013, UPS đã chính thức thông báo đã mua lại 49% cổ phần của VNPost Express trong liên doanh giữa hai công ty (UPS Việt Nam - PV), trở thành hãng chuyển phát toàn cầu đầu tiên sở hữu 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Trong khi việc mua lại này khiến các khách hàng của UPS tại Việt Nam, theo lời ông Brendan Canavan, Chủ tịch Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UPS, được kết nối tốt hơn với thế giới thông qua mạng lưới toàn cầu của UPS, thì với VNPost Express, có thể hiểu đây là một sự thua cuộc.

Thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam ngày càng rơi vào tay DN ngoại, khi DHL, rồi FedEx, UPS liên tục bành trướng. Trong khi đó, Công ty Chuyển phát nhanh Tín Thành cũng đã chuyển nhượng cổ phần cho 3 nhà đầu tư ngoại gồm Công ty TNHH một thành viên Gia Lý, Công ty KLN (Singapore) và Công ty cổ phần Kerry Intergrated Logistics (Hồng Kông).

Từng bước, từng bước, các nhà đầu tư ngoại đã lấn sân DN Việt. Công cuộc thâu tóm DN Việt của các nhà đầu tư ngoại ngày càng trở nên gay cấn hơn. Thông tin được bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Việt Nam chất lượng cao cho biết cách đây chưa lâu là, không ít DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ráo riết lùng mua lại DN Việt Nam. Sản xuất - kinh doanh gặp khó, nhiều DN Việt buộc phải chấp nhận phương án cuối cùng là bán lại cho DN ngoại.

Ông Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng đã từng cảnh báo, nhiều DN nước ngoài đang nhân cơ hội DN Việt Nam bị đình đốn sẵn sàng tung tiền ra mua lại các tài sản rẻ của DN. “Có nguy cơ nhiều sản phẩm cà phê, bánh kẹo, vật dụng hàng ngày… đều dần dần bị ngoại hóa”, ông Ngân nhấn mạnh.

Tất nhiên, trong thị trường cạnh tranh hiện nay, chuyện M&A là bình thường. Bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại cũng là tất yếu khách quan. Nhất là khi, sự xuất hiện của đối tác ngoại có thể mang lại cho DN không chỉ tiềm năng tài chính mạnh mẽ, mà còn cả kinh nghiệm, kỹ năng quản trị tiên tiến, hiện đại.

Nhưng một khi đó chỉ là bước đi nhằm thâu tóm DN nội, thì lại là một câu chuyện khác, mà DN nội không còn cách nào khác là phải cảnh giác và có biện pháp đối phó kịp thời nhằm tránh trở thành “mồi ngon” cho đối tác ngoại.

Khi toàn cầu hóa ngày càng trở nên sâu rộng hơn, DN không thể “đóng cửa” và từ chối bắt tay với đối tác ngoại. Điều quan trọng là phải làm sao “sống chung”, thậm chí liên doanh, liên kết để tạo sức mạnh, năng lực cạnh tranh tốt hơn, mà vẫn tránh được nguy cơ bị mua lại.

“Tôi nghĩ, chọn phương án nào, bắt tay với DN ngoại hay không còn phụ thuộc vào mục tiêu của DN, muốn phát triển ở thị trường trong nước hay nước ngoài. Muốn vươn ra nước ngoài, thì nên chọn cách hợp tác với đối tác ngoại”, ông Nguyễn Mạnh Trường, Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ điện tử phần mềm và viễn thông LifeTek bày tỏ quan điểm.

Ông Nguyễn Mạnh Trường chính là người chơi ở vị trí CEO trong Chương trình CEO Chìa khóa thành công, với chủ đề “Toàn cầu hóa trên sân nhà - Đối đầu hay liên kết” kỳ này. Chương trình được phát sóng trên VTV1 vào 10h sáng Chủ nhật (26/1/2014) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (27/1).

“Cá mập” nước ngoài xếp hàng mua nợ Việt Nam
Hội thảo quốc tế “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cấu trúc hệ thống NHTMC Việt Nam” do Ngân hàng BIDV diễn ra vô cùng nóng bỏng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư