Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Việt Nam vượt mặt Thái Lan, Philippines về nhập khẩu thuốc trừ sâu
T.L - 06/09/2016 15:58
 
TS. Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (CAP), Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, sản xuất nông nghiệp ở nước ta đang ô nhiễm nghiêm trọng vừa lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
TIN LIÊN QUAN

Sáng nay (6/9), tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững - 2016” với chủ đề “Vai trò của Doanh nghiệp trong phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xây dựng và bảo vệ môi trường. Diễn đàn do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tạp chí Sức khỏe và Môi trường… tổ chức.

TS. Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (CAP), Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn nêu ra những con số đáng báo động về suy thoái môi trường nông nghiệp. Cụ thể, về đất, cả nước có khoảng 2 triệu ha đất suy thoái nghiêm trọng và 9,3 triệu ha đất  đang bị thoái hóa. Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu đã làm thoái hóa đất, tăng quá trình axit hóa đất và làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Số liệu thống kê cho tháy, Việt Nam nhập khẩu thuốc trừ sâu nhiều hơn so với Thái Lan và Philippines (hai nước sản xuất nông nghiệp lớn tại ASEAN). Bên cạnh đó, hàng triệu tấn chất thái hữu cơ và chất ô nhiễm khác cũng đang được thải ra môi trường nước do hoạt động nuôi trồng thủy sản (cá tra, tôm).

Không chỉ gây ô nhiễm trầm trọng, sản xuất nông nghiệp cũng đang gây lãng phí nguồn nước ngọt. Nông nghiệp là ngành sử dụng nước ngọt cao nhất trong các ngành kinh tế với 80% tổng lượng sử dụng. Thủy lợi phí được miễn đã khuyến khích nông dân sử dụng nước lãng phí, không hiệu quả. Một nghiên cứu cho thấy, nước nước dùng cho tưới cà phê ở Tây Nguyên cao hơn 30% so với nhu cầu, khiến nước ngầm cạn kiệt dần.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tăng đầu tư công cho bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp định hướng và phát triển kinh tế phù hợp với Chiến lược dài hạn của Việt Nam  trong việc lựa chọn và xây dựng mô hình Kinh tế xanh.

Đại diện ngân hàng đi đầu trong tài trợ tín dụng cho các mô hình tăng trưởng xanh, ông Vũ Trọng Thắng - Phó ban khách hàng hộ sản xuất và cá nhân Agribank cho rằng: "Có một vấn đề đang tồn tại mà chúng ta phải thừa nhận đó là nền nông nghiệp của Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn đang duy trì phương thức sản xuất cũ, manh mún, mạnh ai người ấy làm theo kiểu tự phát, việc sử dụng tràn lan không kiểm soát các chất cấm trong sản xuất ở tình trạng đáng báo động, chất lượng đầu ra của sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, tính liên kết hạn chế, nếu không nói là yếu kém, ứng dụng công nghệ cao mới bắt đầu triển khai ở giai đoạn thí điểm… dẫn đến chất lượng hàng hóa nông sản Việt Nam rất khó tìm được chỗ đứng ở các thị trường tiềm năng nhưng khắt khe khi đặt tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu".

Với nhận thức sâu sắc rằng phát triển bền vững đem lại thu nhập ổn định cho người sản xuất kinh doanh và giúp Agribank giảm thiểu các rủi ro tín dụng, thời gian qua, Agribank luôn chú trọng tín dụng vào dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường. Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường, các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường - xã hội. 

Tuy nhiên, đại diện Agribank cũng băn khoăn vì hiện nay các mô hình đầu tư sản xuất nông sản sạch vẫn khó phát triển. Cụ thể, sau 2 năm triển khai thí điểm, Agribank đã đầu tư 12/13 dự án sản xuất kinh doanh theo mô hình chuỗi liên kết được NHNN phê duyệt, trong đó đã xuất hiện dự án có dấu hiệu khó khăn, có khả năng phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được yếu tố giá cả trên thị trường, khi người tiêu dùng chưa phân biệt được sản phẩm nào là thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch. Do đó, để thực hiện được mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp an toàn bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cần có sự vào cuộc tích cực trách nhiệm của các Bộ, Ngành, chính quyền các cấp.

 Phát biểu tại Diễn đàn sáng nay, một số chuyên gia cũng cảnh báo thêm, dù nhiều địa phương đề cao chủ trương bảo vệ môi trường, song lại đang mâu thuẫn với chính mình khi trải thảm đỏ thu hút đầu tư bằng mọi giá. Điều này khiến việc chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững, tăng trưởng xanh gặp nhiều khó khăn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư