Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Thiếu liên kết, nhưng lại cạnh tranh nhau khốc liệt
Hoàng Anh - 05/05/2018 16:10
 
Trong Hội nghị liên kết phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, được tổ chức tại Thừa Thiên Huế sáng 5/5, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có cách tiếp cận khác để các tỉnh miền Trung liên kết phát triển.

Hành trình 10 năm

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập vào năm 2008, gồm 5 tỉnh là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Đây được xem  là vùng có điều kiện thuận lợi hình thành một hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc – Nam và là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, nối Myanma, Campuchia, Lào với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện có 4 khu kinh tế ven biển và 19 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, chiếm 5,8% số KCN của cả nước và khoảng 45,2% số KCN của 14 tỉnh miền Trung.

Hội nghị liên kết  phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, được tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Tính đến cuối năm 2016, các khu kinh tế, khu công nghiệp ( KKT, KCN) trong vùng đã thu hút được hơn 1.280 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện hơn 210.000 tỷ đồng, thu ngân sách khoảng 36.000 - 40.000 tỷ đồng.

Theo Tiến sĩ Dương Đình Giám, Trung tâm Tư vấn, nghiên cứu phát triển miền Trung thì các KKT, KCN trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng.

Tuy nhiên, hiện nay, các KKT và KCN Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa tạo được bước đột phá trong phát triển công nghiệp. Số lượng các KCN đã đi vào vận hành chưa nhiều, quy mô vốn đầu tư của các dự án vào các KCN còn hạn chế. Các ngành nghề thu hút đầu tư vào các KKT, KCN còn trùng lắp, chính sách thu hút không đồng bộ, thiếu gắn kết. Hàm lượng khoa học, công nghệ trong các dự án đầu tư còn thấp …

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, tròn 10 năm thành lập Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đã đến lúc nhìn lại mô hình liên kết phát triển Vùng, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển các KKT, KCN để xem xét đề xuất một mô hình liên kết có tính tiên tiến, sáng tạo và bền vững.

Cạnh tranh khốc liệt?

Dù đạt được không ít thành tựu, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế tham gia Hội nghị đều cho rằng, các địa phương của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thiếu liên kết, nhưng lại cạnh tranh nhau khốc liệt.

Ông Lê Trí Than,– Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, những chính sách về thu hút nhà đầu tư vào KKT và sự liên kết vùng còn nhiều bất cập.

“Chúng ta có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó đưa rất nhiều mục tiêu cần phải tập trung làm. Nhưng mà nói thật, 5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm gần như chúng ta không chú ý gì đến quyết định này của Chính phủ, không có ràng buộc nào để tất cả các địa phương phải thực hiện.  Chúng ta cần phải thảo luận vấn đề thực chất hơn để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển trong tương lai”, ông Thanh phát biểu.

Ông Lê Trí Thanh phát biểu tại hội nghị.
Ông Lê Trí Thanh phát biểu tại hội nghị.

Còn Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cần đặt vấn đề một cách thẳng thắn và gay gắt về liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

“Trước hết phải đánh giá cho được, việc xây dựng KKT và KCN của miền Trung vừa qua thành công hay thất bại, lấy tiêu chí nào để nói rằng nó thành công. Những KKT,  KCN được dành cho sự quan tâm đặc biệt, dù được đầu tư lớn như vậy mà không tạo được sự phát triển như kỳ vọng thì có thể coi là thất bại.

Theo đánh giá thì khó có thể thành công như chúng ta mong đợi, miền Trung chưa xoay chuyển thật sự về mặt đẳng cấp. Nếu nó chưa thành công thì chắc sẽ không ổn. Với cách làm như hiện nay, theo tôi là bỏ đi, thay cách khác. Một cách tiếp cận khác về KKT, KCN, một cách tiếp cận khác về đầu tư nước ngoài, cách tiếp cận khác về Vùng thì lúc ấy mới xoay chuyển được tình hình”, ông Thiên phát biểu.

Theo ông Trần Đình Thiên cần phải có tiếp cận khác về liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo ông Trần Đình Thiên cần phải có tiếp cận khác về liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo ông Thiên, cho đến bây giờ khái niệm như thế nào là trọng điểm miền Trung thì vẫn chưa được rõ. Vì vậy  các KKT, KCN cơ bản là khu công nghiệp văn hoá tổng hợp, tức là cái gì cũng có.

Từ đó ông Thiên đưa ra câu hỏi, tại sao miền Trung có nhiều lợi thế lại không có KCN chuyên sâu. Tại sao cạnh tranh nội bộ Vùng rất khốc liệt, không liên kết mà cạnh tranh, cạnh trạnh theo hướng cùng xuống đáy, hạ giá của mình xuống để kéo đối tác vào.

“Tất cả đều vì lợi ích của mỗi địa phương. Lý do đầu tiên theo tôi chính là vấn đề cơ chế. Cách tiếp cận thu hút đầu tư của chúng ta chủ yếu dựa trên hệ thống ưu đãi, chứ không dựa trên hệ thống thể chế vượt trội. Nếu ở nước ngoài họ tạo được thể chế vượt trội để thu hút được nhà đầu tư tử tế, còn ở Việt Nam ta là chúng ta cố gắng cho ưu đãi chứ không phải cho thể chế.

Các tỉnh miền Trung cũng tập trung ưu đãi chứ không được quyền tạo lập thể chế tốt. Cạnh tranh mà dựa trên ưu đãi là tặng cái lợi ích của mình cho nhà đầu tư, nhưng lại được rất ít, để giải quyết vấn đề lấp đầy các KKT, KCN mà thôi. Về liên kết, chúng ta cần điều kiện tiên quyết, đấy là một thể chế Vùng đủ quyền và đủ lực để liên kết các KKT, KCN nhưng hiện nay chưa có được.

Để thu hút nhà đầu tư, chúng ta cần thay đổi tư duy, vấn đề không phải mình chọn nhà đầu tư, mà phải để nhà đầu tư tốt chọn mình”, ông Thiên nêu vấn đề.

Kinh tế miền Trung không thể chỉ dựa vào "lợi thế tĩnh"
() Miền Trung có thể bứt phá nhờ một thể chế có tính đột phá để cho phép sử dụng được những tiềm năng sẵn có. Nếu không, tiềm năng to lớn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư