Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chủ tịch Quốc hội: Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách
Nguyễn Lê - 22/08/2022 15:49
 
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật.
.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức sáng 22/8.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... đều đánh giá rất cao những đổi mới của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là sự chủ động của lãnh đạo, các cơ quan của Quốc hội, mở rộng việc lấy ý kiến nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học ở tất cả các khâu của quy trình lập pháp. 

Những đổi mới này đã làm gia tăng hàm lượng “cuộc sống” và hàm lượng khoa học trong các dự thảo luật, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng các dự luật.

Chỉ trong chưa đầy 10 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch số 81, đến nay đã hoàn thành tới 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp. Khối lượng công việc triển khai nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81 trong thời gian tới vẫn còn rất lớn, trong đó có nhiều nhiệm vụ rất khó (như việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai...).

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội làm chương trình hàng năm nhưng có tầm nhìn cả 5 năm và ngay bây giờ đã rà soát những nội dung mà có thể đến năm cuối nhiệm kỳ mới triển khai. Điều này bảo đảm tính toàn diện, tính bao quát và chủ động hơn rất nhiều so với việc chỉ bám vào chương trình lập pháp hàng năm.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá rất cao sự đổi mới, quyết liệt của tất cả các cơ quan với những biện pháp, cách thức triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Trong đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả như: linh hoạt tổ chức các kỳ họp theo hình thức trực tuyến và kết hợp trực tuyến với trực tiếp; tổ chức kỳ họp bất thường xem xét, kịp thời quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách do thực tiễn cuộc sống và yêu cầu phát triển đặt ra; sửa đổi ngay một số luật để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian hơn, tập trung xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và có kết luận cụ thể về từng dự án để làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức tiếp thu, chỉnh lý; tổ chức các phiên họp bất thường, kể cả ngoài giờ hành chính, để kịp thời xem xét các tờ trình, báo cáo của Chính phủ và giải quyết những vấn đề phát sinh.

Từ tháng 8/2022 bắt đầu tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật để tập trung xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiên trì lắng nghe ý kiến về các dự án luật, có những nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua nếu nhận được ý kiến thì vẫn tiếp tục thảo luận làm rõ nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Đánh giá cao sự phối hợp, đồng hành giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan trình rất chặt chẽ, không phân biệt “quyền anh, quyền tôi”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đến lần trình Quốc hội thứ hai thì “đổi vai hay không đổi vai - cơ quan nào chủ trì báo cáo Quốc hội - cũng không còn quan trọng nữa.

Chức trách nhiệm vụ của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra vẫn rành mạch, quan điểm vẫn giữ vững, nhưng các cơ quan cộng đồng trách nhiệm với nhau, cùng nhau thảo luận, xem xét kỹ lưỡng đến cùng.

Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng hết sức tích cực, dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật, không còn tình trạng “giao phó – giao cho cấp phó” như trước đây nữa”. Do đó, “chúng ta phải tiếp tục cơ chế phối hợp từ sớm, từ xa và cộng đồng trách nhiệm, lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Theo cách thức này thì các dự án luật dù khó mấy chúng ta cũng làm được và đạt được sự đồng thuận cao”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tăng cường các phiên họp chuyên đề xây dựng luật, bố trí thời gian phù hợp để thảo luận, xem xét kỹ lưỡng; tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; đổi mới cách thức lấy ý kiến nhân dân, ý kiến chuyên gia... Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định nhất là trong việc chuẩn bị hồ sơ, đưa dự án luật, pháp lệnh vào chương trình hàng năm.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng; xây dựng các cơ chế, quy định để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc nghiêng về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu sự đồng hành với người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Phải tiếp tục đề cao trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật nói chung và triển khai Kết luận số 19, Kế hoạch số 81...Chủ tịch Quốc hội yêu cầu. 

Chống “tham nhũng chính sách”, quan trọng nhất là minh bạch
Để chống “tham nhũng chính sách”, trước khi ban hành một chính sách, thì từ ý tưởng ban đầu đến quá trình thẩm tra, phản biện, lấy ý kiến,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư