Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Quần thể danh thắng Tràng An: Lịch sử, văn hóa và thiên nhiên cùng trường tồn phát triển
Phạm Quang Ngọc (*) - 26/04/2024 12:37
 
Ngày 25/6/2014, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới.
Chùa Bái Đính  thu hút khách du lịch bởi sự tráng lệ, linh thiêng và các kỷ lục thế giới
Chùa Bái Đính thu hút khách du lịch bởi sự tráng lệ, linh thiêng và các kỷ lục thế giới.

Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử kết nối kho báu thiên nhiên Tràng An với kho báu lịch sử - văn hoá vô giá của vùng đất Cố đô Hoa Lư thành một di sản thế giới.

Kho báu thiên nhiên diệu kỳ

Nằm ở rìa Nam châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội 90 km về phía Đông Nam, Quần thể danh thắng Tràng An là một khu vực hòa lẫn giữa thiên nhiên và văn hóa, chứa đựng hầu hết 3 vùng được bảo vệ, gồm Cố đô Hoa Lư, Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Quần thể có vùng lõi 6.172 ha nằm trong sơn khối đá vôi Tràng An với tuổi địa chất 250 triệu năm và vùng đệm 6.079 ha hầu hết là ruộng lúa.

Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á nhờ những tiêu chí nổi bật toàn cầu. Khối đá vôi Tràng An thể hiện một cảnh quan karst (núi đá vôi) nhiệt đới, gió mùa ẩm trong những giai đoạn tiến hóa phát triển địa chất cuối cùng và có ý nghĩa toàn cầu.

Tràng An nổi bật ở chỗ đã bị biển xâm lấn, biến cải nhiều lần và hiện là đất liền. Sự phát triển địa hình trong một giai đoạn lâu dài đã tạo ra những cảnh quan đẹp phi thường - một sự pha trộn giữa những ngọn núi dạng tháp có vách dốc đứng trong rừng nhiệt đới nguyên sinh, bao quanh là những thung lớn thông với vô vàn hang động, suối, sông.

Tin tưởng Đảng bộ và Nhân dân Ninh Bình tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu nước, khát vọng vươn lên, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của vùng đất Cố đô Hoa Lư, xây dựng Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa, là hình mẫu tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân

Bằng chứng khảo cổ học cho thấy, chuỗi cư trú và sử dụng khu vực này liên tục có ý nghĩa trong khoảng thời gian hơn 30.000 năm. Những nhóm người tiền sử đã thích nghi với những biến đổi cảnh quan của khối đá vôi và đầm lầy từ thời kỳ băng hà cuối cùng tới giai đoạn kết thúc - một vài trong số những biến đổi về địa lý và khí hậu khắc nghiệt nhất trong lịch sử gần đây của hành tinh.

Tràng An ôm trong mình bao la khung cảnh thiên nhiên độc nhất vô nhị, những dãy núi đá vôi trùng điệp, rừng cây, thảm thực vật, đồng lúa, hồ đầm, những dòng sông Sào Khê, Ngô Đồng, sông Vọc, suối Tiên; những động Thiên Hà, Thiên Thanh, động Tiên, động Tiên Cá, động Vái Giời, động Thủy Cung, hang Bụt, hang Tam Cốc, hang Múa, hang động Tràng An. Tràng An là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn nổi bật về sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi.

Phạm Quang Ngọc (*)
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.

Kho báu văn hóa, lịch sử vô giá

Cùng với những di tích ghi dấu sự xuất hiện của người tiền sử cách đây hơn 30.000 năm, đến thế kỷ X, Hoa Lư - Ninh Bình được chọn làm kinh đô của Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, hội tụ những trang sử oanh liệt của 4 vương triều Đinh - Lê - Lý - Trần, nơi đậm đặc các di tích lịch sử với hơn 400 đình, chùa, đền, miếu, phủ..., Ninh Bình có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư và Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động), 21 di tích cấp quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh. Những di tích lịch sử nổi tiếng như Cung điện Hoa Lư, đền Vua Đinh, đền Vua Lê, chùa Bích Động, chùa Bái Đính, hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, đền Trần... Những di chỉ khảo cổ học là bằng chứng lịch sử giá trị như hang Mòi, hang Bói, hang Trống, thành Hoa Lư…

Cùng với đó là kho di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội Tràng An, Lễ hội chùa Bái Đính…

Đặc biệt, trong Quần thể danh thắng Tràng An, cùng với chùa Bái Đính cổ ngàn năm là chùa Bái Đính mới với quy mô lớn, đậm dấu ấn kiến trúc Việt và là ngôi chùa nhiều kỷ lục: tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên chất dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang tượng La Hán dài nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, quả chuông đồng lớn nhất, khu chùa rộng nhất, giếng ngọc lớn nhất và số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam.

Ngoài ra, tại đây còn có khách sạn 5 sao, phòng họp cao cấp với sức chứa hàng ngàn khách. Chùa Bái Đính cổ cùng chùa Bái Đính mới đã trở thành trung tâm tâm linh và văn hóa của khu vực châu Á, là hạt nhân quan trọng góp phần tạo nên Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.

Hai kho báu - sức mạnh trường tồn phát triển

Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới là sự kết nối tuyệt vời hai kho báu văn hóa và thiên nhiên của quê hương Ninh Bình vàng son, gấm vóc, sơn thủy hữu tình. Đây là thành quả của một chủ trương đúng từ Trung ương đến tỉnh, sự giúp đỡ và quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, của UNESCO, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Những thập kỷ qua, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trung tâm du lịch của cả nước và hướng tầm quốc tế.

Mười năm Tràng An trở thành di sản thế giới, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá của cha ông, các giá trị thiên nhiên đất trời ban tặng, viết tiếp những trang sử mới, đưa Ninh Bình trở thành điểm đến ấn tượng, hòa với những điểm đến danh giá trong nước và thế giới. Ninh Bình đã lựa chọn du lịch có trách nhiệm với ba trụ cột: Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân. Nhà nước chỉ đạo, định hướng, giám sát; doanh nghiệp đầu tư phát triển tuyến điểm, xây dựng các sản phẩm dịch vụ phù hợp để vừa khai thác hiệu quả, vừa bảo tồn nguyên trạng di sản; người dân sống dựa vào di sản, di sản được người dân gìn giữ, là những sứ giả không ngừng đưa thương hiệu Tràng An, Ninh Bình ngày một sâu đậm trong lòng du khách.

Những kết quả trên đã được các cấp, các ngành, du khách ghi nhận và đánh giá cao, như Tổng giám đốc UNESCO nhận xét: “Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững”.

Thuộc 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất và là một trọng điểm du lịch của cả nước và quốc tế, đến năm 2020, du lịch Ninh Bình đã hướng tới chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng khá, quy mô ngày càng mở rộng, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Từ năm 2022, Ninh Bình đã tự cân đối ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố.

Đó là động lực để Ninh Bình thực hiện tốt hơn nữa các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) về bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Tràng An. Ninh Bình tiếp tục chuyển hướng phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á”.

Cũng từ đây mở ra con đường tươi sáng cho khát vọng phát triển Tràng An có thêm sứ mệnh trở thành trung tâm “Đô thị Di sản thiên niên kỷ” trên bình diện lịch sử đô thị ngàn năm và tầm nhìn về một hình mẫu đô thị thích ứng biến đổi môi trường, hài hòa giữa không gian nhân tạo với thiên tạo. Phấn đấu Đô thị Di sản thiên niên kỷ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 và là Đô thị Di sản tiêu biểu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Ninh Bình mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức trong nước và quốc tế, sự chung sức của nhà đầu tư, doanh nghiệp, của toàn dân với tinh thần cao cả là bảo vệ, giữ gìn, phát triển Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới là trách nhiệm lớn lao của Ninh Bình trước đất nước và thế giới trong việc thực hiện Công ước UNESCO 1972. Đây cũng là trách nhiệm cao cả trước các thế hệ để kho báu lịch sử - văn hóa vô giá và kho báu thiên nhiên diệu kỳ của Ninh Bình ngày càng phát triển, trường tồn.

(*) Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An: ”Cú hích” lớn thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội Ninh Bình
Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là “cú hích” lớn, đưa thương hiệu du lịch Ninh Bình cất cánh,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư