Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An: ”Cú hích” lớn thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội Ninh Bình
Phương Liên - 26/04/2024 11:56
 
Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là “cú hích” lớn, đưa thương hiệu du lịch Ninh Bình cất cánh, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy dịch vụ, thương mại phát triển, nâng cao đời sống người dân địa phương.
Danh thắng Tràng An đã trở thành thương hiệu, động lực để du lịch Ninh Bình vươn ra biển lớn
Danh thắng Tràng An đã trở thành thương hiệu, động lực để du lịch Ninh Bình vươn ra biển lớn.

Đưa thương hiệu Ninh Bình bay xa

Từ khi được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Danh thắng Tràng An đã trở thành thương hiệu, động lực cho “con tàu” du lịch Ninh Bình vươn ra biển lớn.

Mười năm qua, nhiều địa danh, sản phẩm du lịch của Ninh Bình được truyền thông quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là Quần thể danh thắng Tràng An, trong đó chùa Bái Đính với những công trình  hoành tráng, mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam là ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục. Đây là công trình kiến trúc kỳ vĩ, nguy nga và cảnh sắc đẹp đến say đắm lòng người. Tất cả cùng tạo lên một địa chỉ du lịch mới, độc đáo, ấn tượng với du khách trong nước và quốc tế.

Từ sự hấp dẫn của Quần thể danh thắng Tràng An, truyền thông, du khách thế giới thấy được vẻ đẹp ấn tượng của truyền thống văn hóa, lịch sử hòa quyện thiên nhiên đất nước, con người Việt Nam. Từ đó kích cầu du lịch Việt Nam nói chung, Ninh Bình nói riêng, thu hút khách quốc tế cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội tại đây.

Nhiều năm liền, Ninh Bình giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước. Tạp chí Forbes đã bình chọn Ninh Bình là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Traveller Review Awards 2023 bình chọn Ninh Bình là đại diện duy nhất của Việt Nam giữ vị trí thứ 7 trong top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới... Quần thể di sản thế giới Tràng An cũng được chọn làm bối cảnh chính cho bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” năm 2017.

Năm 2023, giá trị tổng sản phẩm khu vực thương mại, dịch vụ của Ninh Bình đạt trên 20.400 tỷ đồng, là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng cao trên hai con số. Hai năm liên tiếp (2022 và 2023), Ninh Bình tự cân đối được ngân sách. Ngành du lịch Ninh Bình đã và đang góp phần quan trọng đưa thương mại, dịch vụ trở thành động lực và tạo bước đột phá cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Các điểm đến trong quần thể danh thắng Tràng An luôn chiếm tỷ lệ trên 80% tổng số lượt khách đến Ninh Bình. Theo nghiên cứu của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình, lượng truy cập các trang website của ngành du lịch thu hút hơn 4,8 triệu lượt khách năm 2016, đến năm 2021 đã lên tới hơn 24 triệu lượt.

Từ vị thế Danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Việt Nam có thêm một “Hành trình con đường di sản” độc đáo, đầy ấn tượng với những điểm dừng chân mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm hấp dẫn, từ lịch sử, văn hóa, tâm linh, đến sinh thái, nghỉ dưỡng gồm: Quần thể danh thắng Tràng An qua Cố đô Hoa Lư, Khu tâm linh núi chùa Bái Đính (Ninh Bình) - Khu du lịch quốc gia Tam Chúc (Hà Nam) - Chùa Hương và Khu di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) với chiều dài gần 100 km.

Đúng như khẳng định của bà Audrey Atoulay, Tổng giám đốc UNESCO khi tham dự sự kiện 50 năm Công ước UNESCO tại Ninh Bình: “Nhờ có những chính sách phù hợp, cộng với việc thực hiện nghiêm Luật Di sản, kiên trì thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; kết hợp xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch bền vững, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, chủ thể của di sản, nên nhiều năm qua, Tràng An luôn là điểm đến được nhiều người ưa thích, nhất là du khách nước ngoài. Từ đó, di sản này ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới”.

Kinh tế và di sản đồng hành phát triển

Ngành du lịch Ninh Bình đã thực sự “cất cánh” khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Lượng khách du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước, nhất là khách quốc tế. Giai đoạn 2010 - 2019, tăng trưởng bình quân về lượt khách là trên 11%/năm. 

Ninh Bình là địa phương phục hồi du lịch nhanh chóng sau đại dịch Covid-19. Số lượt khách, doanh thu từ du lịch tiếp tục tăng nhanh, vượt mức kịch bản đề ra. Năm 2023, toàn tỉnh đón trên 6,5 triệu lượt khách, gấp hơn 1,7 lần so với năm 2022. Doanh thu du lịch đạt trên 6.500 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Theo thống kê mới nhất, trong 3 tháng đầu năm 2024, Ninh Bình đón gần 3,9 triệu lượt khách, gấp 1,4 lần cùng kỳ; trong đó, lượng khách quốc tế đạt kỷ lục (110.000 lượt).

Từ những giá trị vô giá mà di sản mang lại, Ninh Bình có thêm nguồn lực phát huy và bảo tồn, xây dựng những công trình văn hóa, tâm linh ngay trong lòng Tràng An như Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính…

Thúc đẩy các ngành dịch vụ, thương mại

Số cư dân vùng lõi trong khu vực Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới khoảng 18.000 người và khu vực vùng đệm khoảng 29.000 người. Trước đây, sinh kế của người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Từ khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, hoạt động du lịch đã phát triển mạnh mẽ, thêm nhiều ngành nghề mới, tạo số lượng việc làm lớn như lái đò, chở xe điện, hướng dẫn viên...

Từ nhân sự trình độ cao, đến những người nông dân và lực lượng lao động tại chỗ đều tìm được sinh kế mới. Trước năm 2014, du lịch Ninh Bình tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động, đến nay đã tăng lên hơn 20.000 người. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ. Nông nghiệp chỉ chiếm hơn 15% trong cơ cấu kinh tế vùng di sản.

Du lịch phát triển đã thúc đẩy, khôi phục lại các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một như nghề thêu ren Ninh Hải, gốm sứ Bồ Bát, đá mỹ nghệ Ninh Vân, góp phần phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới...

Du lịch phát triển cũng kéo theo sự xuất hiện của một số lĩnh vực như xây dựng, in ấn, xuất bản, bảo hiểm, vận tải, lưu trú, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, tài chính

Từ sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú, tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư và doanh nghiệp đầu tư vào du lịch đã được ban hành. Hàng trăm dự án, với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư…

Đến nay, Ninh Bình đã có trên 800 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 10.000 phòng nghỉ, trong đó có 1 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao, 7 cơ sở đạt 3 - 4 sao và 30 cơ sở đạt 1 - 2 sao. Điển hình như Khách sạn Bái Đính, Khách sạn Legend, Hidden Charm Resort, Khách sạn The Reed, Cúc Phương, Resort and Spa, Khách sạn Hoàng Sơn, Thung Nham Resort, Tam Coc Garden…

Ninh Bình đã đầu tư phát triển tuyến điểm, xây dựng các sản phẩm tham quan, dịch vụ phù hợp để vừa khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, là nơi bảo tồn nguyên trạng di sản. Sau 10 năm được vinh danh, đã có hơn 10 tuyến du lịch mới hấp dẫn, “níu chân” du khách.

Với nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, phong phú và đa dạng, tạo cho Ninh Bình những điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch MICE. Cùng với đó, các sản phẩm du lịch về đêm, không gian văn hóa sáng tạo cũng được tỉnh xây dựng tại Tràng An, như tour tham quan Bái Đính về đêm, đưa du khách trải nghiệm không gian thanh tịnh của các ngôi bảo điện, cùng lắng nghe những bài thuyết giảng về nhân nghĩa trong cuộc sống…

Quần thể danh thắng Tràng An nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới
Là di sản hỗn hợp, di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á, Quần thể danh thắng Tràng An ngày càng nổi bật trên bản đồ du lịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư