Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu
Đông Phong - 26/07/2022 22:36
 
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 và 2023 vì cho rằng, triển vọng kinh tế thế giới trở nên "u ám và bất ổn gia tăng".
Logo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, DC. Ảnh: AFP
Logo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, DC. Ảnh: AFP

Hôm nay (26/7), IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới về mức 3,2% trong năm 2022 và 2,9% vào năm sau, lần lượt giảm 0,4 và 0,7 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4.

Theo lý giải của IMF, việc điều chỉnh triển vọng tăng trưởng xuất phát từ những rủi ro suy thoái được nêu trong dự báo tăng trưởng trước kia đã trở thành hiện thực. Trong số những rủi ro đó là lạm phát toàn cầu tăng vọt, tình hình suy thoái ở Trung Quốc xấu hơn nhận định và tác động tiêu cực của chiến sự Nga - Ukraine.

"Một số cú sốc đã giáng xuống nền kinh tế thế giới vốn đã suy yếu do đại dịch, trong đó lạm phát trên thế giới tăng cao hơn dự kiến, đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Âu, kéo theo các biện pháp thắt chặt tài khóa; tình trạng suy thoái ở Trung Quốc xấu hơn dự đoán do sự bùng phát của Covid-19 và phong tỏa chống dịch; và những tác động ngày càng nặng nề của chiến sự ở Ukraine", IMF nhận định.

Động thái lần này của IMF đánh dấu lần đầu tiên cơ quan này điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu kể từ năm 2020. Theo một kịch bản tăng trưởng khác mà ít có khả năng xảy, thì tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm về mức 2,6% vào năm 2022 và 2,0% vào năm 2023.

Trong động thái tương tự, tháng trước, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống còn 2,9%, thay vì mức dự tính trước đó là 4,1%, với lý do áp lực kinh tế vĩ mô.

Thực chất, triển vọng tăng trưởng của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ xấu đi đã buộc các tổ chức quốc tế phải điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng chung.

Triển vọng GDP của Mỹ đã giảm 1,4 điểm phần trăm xuống còn 2,3% khi tăng trưởng nữa đầu năm 2022 thấp hơn kỳ vọng do sức mua hộ gia đình giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng thấp hơn 1,1 điểm phần trăm so với các ước tính trước đó sau các đợt phong tỏa chống dịch kéo dài và cuộc khủng hoảng bất động sản ở quốc gia này ngày càng trầm trọng. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2022, mức thấp nhất trong vòng 4 thập kỷ qua.

Còn tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đã bị điều chỉnh giảm 0,8 điểm phần trăm còn 7,4%, phần lớn là do tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Tương tự, triển vọng tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurzone) ước giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 2,6%, mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng hậu quả nặng nề hơn từ chiến sự ở Ukraine có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực này trong năm 2023, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

Trong khi đó, nền kinh tế Nga ghi nhận mức suy giảm ít hơn dự báo trong quý II/2022, bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế trên diện rộng mà phương Tây nhắm vào Moscow sau khi Điện Kremlin mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2. Cho nên, dự báo tăng trưởng năm 2022 của Nga lại được điều chỉnh tăng 2,5 điểm phần trăm, nhưng tốc độ tăng trưởng ước tính của nền kinh tế này sẽ vẫn ở mức âm 6,0%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư