Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Làm rõ việc bố trí vốn cho dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Nguyễn Lê - 17/04/2024 08:27
 
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành.
.
Thường trực Ủy ban Kinh tế họp mở rộng thẩm tra dự án. Ảnh: Quochoi.vn

Có ý kiến tại Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc bố trí 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án là không khả thi.

Theo chương trình phiên họp thứ 32, chiều nay (17/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Đây là Dự án quan trọng quốc gia, có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, trong đó, phần vốn nhà nước tham gia khoảng 12.770 tỷ đồng, Chính phủ cũng đề xuất áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt. Do đó, cần trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Đề nghị cam kết trách nhiệm

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án, cho rằng việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới đường bộ cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 25.540 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (bao gồm cả phần đường gom, cầu vượt ngang đường bộ cao tốc): 4.639 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị: 16.470 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác: 1.236 tỷ đồng; chi phí dự phòng: 2.300 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian xây dựng: 895 tỷ đồng. Mức này được xác định trên cơ sở chi phí xây dựng tham khảo theo suất đầu tư  các công trình tương tự có quy mô, tính chất và điều kiện trong khu vực Dự án và so sánh với quy định có liên quan

Về nguồn vốn, đối với vốn ngân sách trung ương khoảng 10.536,5 tỷ đồng. Bao gồm: 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; điều chuyển 266,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương; 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 .

Trong đó, 1.500 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021của Quốc hội để thực hiện Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đến nay, số vốn 1.500 tỷ đồng đã được đưa vào dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội).

Theo cơ quan thẩm tra, việc Chính phủ đề xuất bố trí vốn cho Dự án 1.500 tỷ từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn là phù hợp với quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc bố trí 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là không khả thi. Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31/1 năm đầu tiên của Kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau, do đó số vốn Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 chỉ được thực hiện đến ngày 31/1/2026. Dự án dự kiến đến hết năm 2026 mới hoàn thành, đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ việc bố trí nguồn vốn để thực hiện Dự án trong năm 2026.

Về số vốn còn thiếu 266,5 tỷ đồng, ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ nguyên nhân, sự phù hợp của việc điều chuyển vốn đã bố trí từ Dự án xây dựng đường giao thông phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành - Hoa Lư cho Dự án, đồng thời cam kết việc điều chuyển này không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện và hoàn thành Dự án xây dựng đường giao thông phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành - Hoa Lư.

Đối với vốn ngân sách địa phương khoảng 2.233,5 tỷ đồng, để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho Dự án, cơ quan thẩm tra đề nghị các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn ngân sách địa phương cho Dự án thực hiện bảo đảm tiến độ.

Còn đối với vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỷ đồng, chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án (chiếm 65% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần 1 theo phương thức đối tác công tư), để bảo đảm tính khả thi cho Dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần thống nhất chặt chẽ với nhà đầu tư quan tâm trong việc thu xếp vốn cho Dự án, tránh phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công.

Liên danh Vingroup và Techcombank bày tỏ sự quan tâm

Về phương thức đầu tư, Chính phủ kiến nghị đầu tư Dự án theo phương thức đối tác công tư. Đồng thời, theo hồ sơ Dự án thì đã có Nhà đầu tư (Liên danh Vingroup và Techcombank) quan tâm đề xuất và có văn bản xin ý kiến thống nhất một số nội dung để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo phương thức đối tác công tư.

Tuy nhiên, Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, thực tế triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thời gian qua cho thấy việc thu hút các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn (như Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông 2017 - 2020, giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ ven biển Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng - Thái Bình; Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh…).

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho Dự án, tránh trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng cho Dự án, dẫn đến phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công làm kéo dài thời gian, giảm hiệu quả đầu tư.

Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn tính hấp dẫn của Dự án đối với các nhà đầu tư khi các chỉ số về hiệu quả tài chính của Dự án là không cao, báo cáo thẩm tra phản ánh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư