Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Hà Nội: Sau ghi hình phạt nặng “tè bậy” sẽ phạt nói tục
Hoài Thu (GTVT) - 14/02/2017 15:26
 
Lần đầu tiên tại Hà Nội, 3 người có hành vi “tè bậy” nơi công cộng bị xử phạt 2 triệu đồng/người.
6

3 tài xế bị mời đến làm việc với cơ quan công an và bị phạt tổng cộng 6 triệu đồng

Lần đầu tiên tại Hà Nội, 3 người có hành vi “tè bậy” nơi công cộng bị xử phạt 2 triệu đồng/người. Cảnh sát cho biết, sẽ tăng cường xử lý hành vi phản cảm này để giữ gìn trật tự vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”

Ngày 13/2, Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt tiền 2 triệu đồng/người đối với 3 người cùng hành nghề lái taxi gồm: Nguyễn Phi L. (SN 1990 ở Thanh Hóa, hiện trú tại quận Hai Bà Trưng), Phạm Văn D. (SN 1988 ở Nam Định, hiện trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Phạm Văn X. (SN 1980 ở Thường Tín, Hà Nội). Mức phạt tiền này căn cứ vào quy định tại Nghị định 155 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/2/2017.

Trao đổi với Báo Giao thông, Trung tá Phạm Văn Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Hoàng Mai cho biết, 3 người nói trên bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi phản cảm trên đường Trần Thủ Độ, phường Hoàng Liệt vào ngày 10/2. Tại các thời điểm khác nhau trong ngày, Tổ công tác gồm 5 cán bộ chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát môi trường, trong đó bố trí hai người mặc thường phục đã phát hiện, tổ chức ghi hình để làm bằng chứng, sau đó báo cho lực lượng công khai cùng công an phường mời người vi phạm về trụ sở để làm rõ. “Khi được mời về làm việc, những người này đều viện đủ lý do để biện minh cho hành vi của mình. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, giải thích cùng với những chứng cứ rõ ràng, tất cả đều “tâm phục, khẩu phục” ký vào biên bản và vui vẻ nộp phạt”, Trung tá Minh cho biết.

7

Lực lượng chức năng sẽ ghi lại hình ảnh “tè bậy” làm bằng chứng để xử phạt - Ảnh: Xuân Đoàn

Sẽ tiến tới phạt cả nói tục, chửi bậy

Theo Trung tá Minh, xác định tại một số địa bàn công cộng trên địa bàn quận như quanh khu vực: Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, chợ đầu mối Đền Lừ, tuyến đường Trần Thủ Độ, khu vực thảm cỏ dưới đường vành đai 3 trên cao... có rất nhiều lái xe ôm, xe taxi thường xuyên có hành vi “tè bậy”, thậm chí ngay nơi đông người qua lại, lãnh đạo Công an quận đã chỉ đạo Đội Cảnh sát môi trường khẩn trương vào cuộc, xử lý dứt điểm để lập lại trật tự văn minh đô thị. “Có thể nói, sau khi cảnh sát triển khai xử lý, quá trình xử lý kết hợp với tuyên truyền, tình trạng vi phạm đã giảm hẳn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục bố trí lực lượng tại các điểm công cộng để xử lý dứt điểm”, Trung tá Minh nói và thông tin, để tránh trường hợp người vi phạm “cãi chày, cãi cối”, lực lượng chức năng đều tổ chức ghi lại toàn bộ hành vi vi phạm, sau đó cho người vi phạm xem lại hình ảnh trước khi ra quyết định xử phạt.

Trước câu hỏi khi nhà vệ sinh công cộng vẫn còn quá thiếu nên nhiều người mới bất đắc dĩ phải “giải quyết nỗi buồn” nơi công cộng, việc xử phạt như vậy có cứng nhắc quá hay không?, Trung tá Minh cho biết: “Quá trình lực lượng cảnh sát ghi hình đối với các trường hợp “tè bậy” chủ yếu tại khu vực công cộng như bến xe hoặc những nơi đã có nhà vệ sinh nhưng nhiều tài xế xe ôm, xe taxi không chịu vào đúng nơi quy định mà cố tình đứng ngoài đường. Còn những nơi xa vắng, thưa dân cư, chưa có nhà vệ sinh thì cảnh sát mới chỉ tập trung tuyên truyền là chính chứ chưa ghi hình, xử lý”.

“Hiện tại, cảnh sát mới chỉ xử lý trực tiếp thông qua hình ảnh mà các tổ công tác ghi nhận được, còn những hình ảnh mà người dân ghi lại được thì tạm thời chúng tôi chưa xem xét, giải quyết. Thời gian tới, Công an quận sẽ có thông báo tới tất cả công an các phường trên địa bàn yêu cầu thực hiện Nghị định số 155 của Chính phủ, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền tới người dân ngay từ cấp cơ sở”, Trung tá Minh nói và cho biết thêm, thậm chí sẽ tiến tới xử phạt cả hành vi nói tục, chửi bậy nếu ghi âm lại được, vì việc này cũng đã có quy định cụ thể. Tuy nhiên, hiện tại cảnh sát mới chỉ tập trung xử lý hành vi tiểu tiện và đổ rác không đúng nơi quy định là chính.

Dự án lắp đặt 1.000 nhà vệ sinh vì sao chậm?

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Công ty CP Truyền thông Vinasing - đơn vị tài trợ hệ thống 1.000 nhà vệ sinh công cộng phục vụ công ích cho thành phố cho biết, hiện công ty đã và đang tiến hành thi công lắp đặt được 55 nhà vệ sinh công cộng, sẽ tiến hành bàn giao cho thành phố từ 80 - 100 nhà vệ sinh công cộng trong tháng 3 tới để đưa vào sử dụng vận hành.

Đại diện Vinasing cũng cho biết, việc triển khai lắp đặt gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc thay đổi vị trí đề xuất lắp đặt tại các phường. Tại một số vị trí bên thi công gặp phản ứng gay gắt của người dân gây cản trở, chậm tiến độ thi công, thậm chí liên tục phải dừng thi công, có những nơi phải ngừng thi công, hoàn trả mặt bằng và dịch chuyển thay đổi, hoặc hủy bỏ vị trí. Một số phường hiện tại còn chưa xác định rõ vị trí lắp đặt, mặc dù vị trí đã chuyển lên quận, sở, ban, ngành phê duyệt. Ngoài ra, một số vị trí lắp đặt tại các khu trung tâm, gần chợ, bến xe, mà trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu đi lại mua sắm rất lớn nên UBND các quận, phường và nhân dân đề xuất Vinasing để qua Tết mới tiến hành thi công lắp đặt. Ngoài ra, rất nhiều vị trí trong quá trình thi công phải hoàn trả mặt bằng do vướng vào các công trình, hệ thống ngầm.

 

Những quy định mới về mức phí và xử phạt ô tô, xe máy áp dụng từ 1/1/2017
Luật mới có hiệu lực từ đầu năm 2017 bao gồm các mức phạt lỗi vi phạm, thay đổi lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số, cấp lại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư