Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tôi thích những bài phân tích “có chất” của Báo Đầu tư
Thùy Liên - 27/09/2016 08:20
 
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, thời gian qua, báo chí kinh tế đã xác lập được vị trí xứng đáng trong đời sống kinh tế đất nước. Trong đó, Báo Đầu tư là một trong số những tờ báo tạo được niềm tin đối với giới đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và bạn đọc.

Chưa bao giờ báo chí viết về kinh tế lại nở rộ như hiện nay, song theo ông, chất lượng liệu đã đáp ứng được yêu cầu?

Báo chí viết về kinh tế đang ngày càng phát triển. Đây là sự phát triển cần thiết bởi tầm vóc nền kinh tế nước ta đã có bước chuyển khá mạnh mẽ trong những năm gần đây và thực sự Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Về tổng thể, đội ngũ các báo kinh tế ngày càng nhiều, luôn bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế từng thời kỳ. Điều đáng khích lệ nhất là tính chuyên nghiệp ngày càng rõ nét và nhờ vậy, chất lượng ngày càng được nâng cao.

Các báo viết về kinh tế đã xác lập được vị trí ngày càng vững chắc trong đời sống kinh tế đất nước, không chỉ với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, mà còn với công chúng và những người hoạch định, điều hành chính sách kinh tế quốc gia. Những thông tin kinh tế được phản ánh trên các báo đã có tác động mạnh mẽ đến dư luận xã hội, khiến từ nhà lãnh đạo đến mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đều nhận thấy, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của đất nước, trước mắt là chống nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn.

.
.

Tôi cho rằng, báo chí viết về kinh tế đã tỏ ra khá xuất sắc trong phản ánh trung thực, sống động  bức tranh kinh tế của đất nước; nhạy bén chỉ ra những yếu kém, khó khăn, vướng mắc, bất cập, góp phần tác động đến việc hoạch định chính sách, điều hành kinh tế quốc gia; đồng thời phát hiện được những nhân tố mới, cách làm ăn mới, mô hình mới, khích lệ sáng tạo, nhen lên và lan tỏa tinh thần cống hiến trong cộng đồng kinh tế đất nước.

Có rất nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc viết về đề tài kinh tế thời gian qua đã được vinh danh tại các giải báo chí chuyên ngành và Giải Báo chí quốc gia, mà tác phẩm “Trận đánh lớn mang tên FTA” của Báo Đầu tư (Giải A Giải Báo chí quốc gia năm 2015) là một điển hình.

Vậy theo đánh giá của ông, Báo Đầu tư đang đứng ở đâu trong làng báo kinh tế Việt Nam?

Báo Đầu tư là một trong những tờ báo hàng đầu trong làng báo kinh tế Việt Nam, phản ánh hầu hết các lĩnh vực kinh tế như: đầu tư, doanh nghiệp doanh nhân, tài chính - ngân hàng, bất động sản, viễn thông… Thế mạnh có tính đặc thù của Báo là vừa thông tin kịp thời, vừa phân tích sâu các vấn đề thuộc lĩnh vực đầu tư - từ môi trường đầu tư, hiệu quả đầu tư, các dự án đầu tư... Rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể phát triển lành mạnh, bền vững khi chúng ta giải quyết tốt vấn đề đầu tư, bắt đầu từ việc xác lập chính sách đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư, tiếp đến là xác định lĩnh vực ưu tiên đầu tư và phê duyệt, triển khai thực hiện các dự án đầu tư cụ thể. 

Việt Nam đang gặp phải hai vấn đề lớn trong đầu tư: hiệu quả đầu tư và bảo vệ môi trường. Thời gian qua, có không ít dự án lớn tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lại “nằm đắp chiếu”. Xót xa vô cùng! Sự lãng phí này có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề “lợi ích nhóm” thao túng, có việc lựa chọn các lĩnh vực không phù hợp như đường, xi măng, sắt thép, thủy điện… Sự cố Formosa là bài học đau đớn trong cấp phép, phê duyệt các dự án đầu tư, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm sâu sắc, thấu đáo hơn vấn đề bảo vệ môi trường, đời sống của người dân bị tác động trong khu vực thực hiện dự án. Lĩnh vực đầu tư là mặt trận nóng bỏng của nền kinh tế đất nước, đòi hỏi trách nhiệm rất cao của cả một hệ thống.

Thời gian qua, Báo Đầu tư là một trong những tờ báo tích cực nhất trong việc đưa ra tiếng nói mạnh mẽ, phân tích thuyết phục những bất cập trong nhiều khâu, nhiều mắt xích của việc thực hiện các dự án đầu tư, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, từ đó chỉ ra những bài học để sửa chữa, khắc phục sai lầm, thiếu sót trong công tác đầu tư, để các nguồn vốn đầu tư ngày càng hiệu quả.

Bằng sự nỗ lực không ngừng, với tinh thần đổi mới, sáng tạo và tính chuyên nghiệp ngày càng được rèn rũa, Báo Đầu tư đã trở thành một trong những tờ báo kinh tế đạt được độ tin cậy cần thiết của giới đầu tư, doanh nghiệp và độc giả; uy tín và vị trí của tờ báo ngày càng được khẳng định và nâng cao. 

Hiện nay, cạnh tranh trong lĩnh vực báo chí kinh tế rất khắc nghiệt. Vậy Báo Đầu tư nói riêng, báo chí kinh tế nói chung cần làm gì để đứng vững, đồng thời đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của độc giả, thưa ông?

Tồn tại và vươn lên trong cạnh tranh là câu chuyện lớn và sát sườn với bản thân từng tờ báo. Mỗi tờ báo cần định hình được bản sắc, phát huy thế mạnh và tìm lối đi phù hợp cho mình. Tôi nghĩ, từng tờ báo chỉ có thể vượt qua thách thức khi không ngừng đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng về nội dung thông tin, hình thức thể hiện. Kịp thời, phong phú về thông tin; sâu sắc, thuyết phục về khả năng phân tích, luận bàn; ấn tượng, cuốn hút về hình thức thể hiện, tôi nghĩ, đó vẫn là những thông số cơ bản của thành công.

Với báo in, nếu chỉ dừng lại ở việc thông tin, phản ánh đơn thuần, hời hợt sẽ khó đứng vững, mà cần phải nâng cao khả năng phân tích, bình luận, kiến giải theo chiều sâu, dự báo đáng tin cậy. Tất nhiên, từ chỗ chỉ phản ánh thông thường đến khả năng phân tích, bình luận thuyết phục đòi hỏi phẩm chất nghề rất cao, chất lượng lao động nghề khác hẳn. 

Tôi rất thích những bài viết có tinh thần phản biện xây dựng của các chuyên gia kinh tế trên các báo. Tôi đã được đọc một số bài phân tích kinh tế “có chất” như vậy trên các ấn phẩm của Báo Đầu tư. Tuy nhiên, số lượng đó chưa được nhiều.

Một nhược điểm dễ thấy của báo chí kinh tế hiện nay là vẫn đang thiếu vắng những cây bút chuyên nghiệp, nhất là những nhà phân tích về kinh tế, những chuyên gia hàng đầu có uy tín cao, có quyền lực trí tuệ trong xã hội. Theo nhìn nhận của tôi, thời gian qua, Báo Đầu tư là một trong những tờ báo tích cực cải tiến cả nội dung, hình thức, đặc biệt là chú trọng chiều sâu thông tin.  Đây là con đường nhọc nhằn, song kiên trì thì sẽ thành công.

Tôi nghĩ, đầu tư không chỉ là đồng vốn, là tiền bạc. Đầu tư là một dòng chảy lớn góp phần tạo nguồn lực phát triển. Đầu tư thể hiện mức độ, khả năng vươn tới và hội nhập của đất nước. Đầu tư không chỉ dừng lại trong phạm vi vật chất. Trong các nguồn lực phát triển thì nguồn nhân lực - nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - cần được quan tâm đầu tư kỹ lưỡng nhất, vì nhân tố con người là quyết định nhất. Vì thế, đầu tư vừa là một lĩnh vực quan trọng, vừa là một mặt trận nhạy cảm, nóng bỏng liên quan đến con người, bộ máy, khả năng kiến tạo, điều hành. Đây có thể được coi là một sự nghiệp phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hy vọng rằng, ở tuổi 25 sung sức, Báo Đầu tư sẽ tiếp tục dồi dào năng lượng sáng tạo, vững vàng bản lĩnh để tiếp tục khẳng định vị thế  hàng đầu trong làng báo kinh tế, đưa Báo Đầu tư vào giai đoạn phát triển mới.

Khi Bác Hồ "xung phong phê bình" báo chí
Không chỉ là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Bác Hồ còn là một nhà báo đa tài, am hiểu sâu sắc về nghề báo. Những góp ý của Bác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư