Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Nhà đầu tư nên chọn ưu tiên bảo toàn tài khoản
 
Tuần giao dịch vừa qua là tuần “gánh nặng” với thị trường chứng khoán (TTCK) khi thông tin về dịch Covid-19 bao phủ toàn cầu. Chỉ số VN-Index lao dốc theo diễn biến chung của thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ. Sàn phái sinh có những phiên sàn đầu tiên từ ngày mở cửa.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), phiên 12/3, lực bán đến từ nhiều lý do, nhưng có 4 lý do chính: Thứ nhất, do ảnh hưởng từ đà giảm của TTCK toàn cầu; thứ hai, do tâm lý sợ hãi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; thứ ba, do áp lực rút ròng liên tiếp từ khối ngoại và cuối cùng là do áp lực bán bởi phải giải chấp (call margin).

Ðợt suy giảm này là lớn nhất kể từ khi TTCK Việt Nam đối diện với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. VN-Index xuyên thủng 800 điểm một cách nhanh chóng trong sự ngỡ ngàng của nhiều thành viên thị trường.

Phiên sáng 13/3, VN-Index mất thêm 33 điểm, về mức 735,9 điểm, tương ứng mức giảm 4,3%, trong khi nhiều thị trường châu Âu, Mỹ và trong khu vực giảm trên 10% trong phiên này.

Tại nhiều thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Ðộ…, giải pháp tức thời như ngắt mạch tự động đã được áp dụng.

Tuy nhiên, giải pháp mang tính kỹ thuật luôn có mặt trái, có thể tạo tâm lý hoang mang hơn cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường khi dòng tiền muốn quay lại.

Tại Việt Nam, phiên cuối tuần thanh khoản được đẩy lên mức cao nhất kể từ ngày 4/11/2019 với giá trị khớp lệnh đạt hơn 4.347 tỷ đồng.

Nhà đầu tư ngoại bán ròng phiên thứ 23 liên tiếp với giá trị hơn 430 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Về áp lực bán giải chấp, tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn chia sẻ, 300 khách hàng lớn của Công ty bị chạm mức bán bắt buộc.

Tuy nhiên, ngay trong ngày 13/3, nhiều khách hàng đã tìm cách nộp thêm tiền vào để giữ lại cổ phiếu.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc chi nhánh TP.HCM - Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá, do TTCK giảm ngay từ sau Tết Nguyên đán, thanh khoản và giá trị giao dịch giảm nhiều so với trước, nên tỷ lệ sử dụng tiền margin thấp hơn.

Những phiên tuần qua có hoạt động bán giải chấp, nhưng áp lực không quá cao. Việc thị trường giảm sâu chủ yếu do nhiều nhà đầu tư lo sợ và bán ra cổ phiếu, rút tiền về, đồng thời các quỹ nước ngoài, cụ thể là các quỹ ETF bị các nhà đầu tư chính quốc rút vốn nên bán ròng liên tục.

Nhiều cổ phiếu bluechip bị bán mạnh khiến VN-Index càng giảm điểm. Nhà đầu tư trong nước dĩ nhiên cũng bị tác động bởi động thái này và bán theo.

Ðây cũng chính là nhược điểm của các quỹ ETF - với đặc tính mua rổ cổ phiếu bị động, không quan tâm nhiều đến cơ bản của doanh nghiệp, khi thị trường giảm thì sẽ chịu tác động tài sản giảm theo thị trường chung và đối diện áp lực rút vốn của nhà đầu tư - đã tạo nên hiệu ứng kép lên thị trường.

Hầu hết nhà đầu tư bán đều chịu lỗ, nên việc phiên 13/3 có lực cầu mua lại cổ phiếu là một tín hiệu cho thấy, một bộ phận nhà đầu tư đã bình tĩnh trở lại.

Tìm hiểu của Báo Ðầu tư Chứng khoán được biết, các công ty chứng khoán đều đã giảm dư nợ margin. Tuy nhiên, với những mã giảm sâu, trong đó có các bluechip giảm 20-30%, thì áp lực bán bắt buộc sẽ còn tiếp tục.

Áp lực này tuỳ vào mức độ giảm giá trong các phiên giao dịch tới, giá càng giảm sâu thì dư nợ còn giảm tiếp và cứ chạm ngưỡng là tự động phải bán ra thị trường.

Theo góc nhìn của một công ty quản lý quỹ, TTCK đã giảm hơn 1 tháng nay, nhưng mới qua giai đoạn bán tháo, giai đoạn hoảng loạn nhất vẫn chưa xảy ra.

Thị trường giảm sâu diễn ra đồng thời với việc thanh khoản ở mức cao cho thấy, đang có dòng tiền mới vào cuộc.

Ðây có thể là dòng tiền bắt đáy, dòng tiền đảo danh mục tại các quỹ, hoặc dòng tiền từ các nhà đầu tư lớn, tung ra để tạo thanh khoản và thực hiện mục tiêu bán ròng… Theo ý kiến này, đáy của chỉ số mới ở dạng đáy kỹ thuật, chưa phải là đáy thực sự.

Ðáy thực sự xảy ra khi thị trường cạn cung giá thấp, thanh khoản giảm và đi ngang, khi đó mới có thể đặt kỳ vọng chứng khoán hồi phục theo hình chữ “V” hoặc chữ “U”.

Lãnh đạo KIS Việt Nam khuyến nghị, nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu cứ bình tĩnh, bởi nếu bán tháo lúc này sẽ gánh lỗ nặng. Những nhà đầu tư có tiền thì nên cân nhắc đầu tư trung và dài hạn, chọn các cổ phiếu tốt đang bị giảm giá sâu trên thị trường.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản có tiềm năng bật lên khi chính quyền TP.HCM có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Cùng với đó, nhóm VN30 đã giảm giá rất mạnh, nhưng phần lớn doanh nghiệp trong chỉ số này là đầu ngành, có hoạt động kinh doanh cốt lõi tốt, có vị thế cạnh tranh, khi giá giảm sâu cũng tạo cơ hội mua vào cổ phiếu.

Sự bình tĩnh và tính tới đầu tư dài hạn là lời khuyên chung của nhà quản lý cũng như các công ty chứng khoán dành cho nhà đầu tư lúc này.

Khối doanh nghiệp niêm yết trước mắt sẽ phải đối mặt với kết quả quý I yếu kém do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên bắt đáy quá sớm cũng không phải là giải pháp tốt. Bảo vệ tài khoản nên chọn là ưu tiên hàng đầu lúc này.

Thị trường chứng khoán: Cần bình tĩnh trước sức "công phá" của Covid-19
Lao dốc, hồi nhẹ, rồi lại lao dốc, đó là diễn biến của thị trường chứng khoán trong các phiên giao dịch vừa qua. Đây là đợt lao dốc thứ ba...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư