Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thương chiến Mỹ - Trung "sa lầy", kịch bản nào cho đồng nhân dân tệ?
Lê Quân (CNBC) - 28/08/2019 08:13
 
Kịch bản đồng nhân dân tệ tiếp tục trượt giá sâu trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên xuống phập phù đang khiến giới đầu tư và nhà giao dịch đứng ngồi không yên.
Nghe bài viết này tại đây :

Nguồn ảnh: Getty Images
Nguồn ảnh: Getty Images

Giữa lúc thương chiến vẫn sa lầy, Trung Quốc hôm nay 27/8 tiếp tục hạ tỷ giá trung tâm xuống thấp kỷ lục trong hơn một thập niên qua. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã “xén” tỷ giá USD/CNY tham chiếu xuống mức 7,0810, sâu hơn mức niêm yết 7,057 CNY “ăn” 1 USD ngày hôm qua. Tuy nhiên, tỷ giá công bố ngày 27/8 vẫn cao hơn mức 7,1055 CNY đổi 1 USD mà thị trường kỳ vọng.

Động thái hạ giá đồng Nhân dân tệ cho thấy Trung Quốc muốn “hãm” độ mất giá của đồng tiền này, ông Tommy Xie, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Ngân hàng OCBC Singapore nhận định.

Dù Trung Quốc đã “thoáng” hơn trong chính sách tiền tệ, nhưng Bắc Kinh đang cho thấy các quyết sách tiền tệ đều được tính toán rất cẩn thận, ông Xie đánh giá.

Tính đến trưa 27/8 theo giờ Hong Kong, đồng nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục đang được kiểm soát chặt chẽ và giao dịch ở mức 7,1594 CNY đổi 1 USD, trượt giá khoảng 4% so với hồi đầu năm.

PBoC cho phép tỷ giá hối đoái giao động trong biên độ hẹp +/-2% so với tỷ giá trung tâm hàng ngày. Nếu tỷ giá vượt ngưỡng, PBoC sẽ can thiệp mua vào hoặc bán ra nhân dân tệ để hạn chế các biến động trong ngày.

Đồng nhân dân tệ ở hải ngoại thường được giao dịch tại thị trường thả nổi như Hong Kong (Trung Quốc) hay Singapore, New York và London. Ngày 27/8, tỷ giá nhân dân tệ so với USD ở hải ngoại giao dịch ở mức 7,1728 CNY “ăn” 1 USD.

Nhân dân tệ trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư, các nhà kinh tế và nhà giao dịch những tháng qua, bởi đây là một trong những công cụ được Trung Quốc sử dụng để đối phó các đòn thuế quan của Mỹ.

Nhân dân tệ có khoảng thời gian dài giao dịch ổn định ở mức 7 CNY đổi 1 USD. Tuy nhiên, tỷ giá nhân dân tệ so với USD tại thị trường Trung Quốc đại lục đã phá đáy hồi đầu tháng 8, lập mốc giảm kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn được duy trì quanh mức 7 CNY “ăn” 1 USD. Việc phá giá nhân dân tệ khiến Bộ Tài chính Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.

Washington phản đối việc Bắc Kinh hạ giá đồng nhân dân tệ để hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và cạnh tranh hơn so với đối thủ khác.

Hiện có những luồng ý kiến khác nhau về diễn biến đồng nhân dân tệ trong thời gian tới. Tuy nhiên, hầu hết giới chuyên môn nhận định mức giao động tỷ giá nhân dân so với USD sẽ tùy thuộc vào việc thương chiến Mỹ - Trung leo thang hay xuống thang.

Nhân dân tệ tiếp đà trượt giá?

Ông Tommy Xie, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Ngân hàng OCBC Singapore, dự báo nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục sẽ giao động khoảng 7,1-7,2 CNY đổi 1 USD trong thời gian tới, nếu không có cú sốc do chiến tranh thương mại.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang cuối tuần trước sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế đối với 75 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, nhằm trả đũa gói thuế quan mà chính quyền Washington công bố trong tháng này. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump “phản pháo” bằng việc tăng thuế suất từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 1/10. Mỹ cũng nâng thuế từ mức 10% dự kiến trước đó lên 15% đối với 300 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc; thời hạn áp dụng từ ngày 1/9 hoặc 15/12, tùy mặt hàng chịu thuế, ông Trump nói.

Viện dẫn các tính toán sơ bộ, nhóm chuyên gia ngoại hối tại Ngân hàng Quốc gia Australia dự báo, nếu Mỹ áp thuế 25% đối với mọi mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng nhân dân tệ nội địa sẽ phải “lao dốc” còn 7,88 CNY đổi 1 USD để bù đắp các tác động thuế quan từ Mỹ.

Trong một kịch bản khác, nếu Mỹ áp thuế 30% lên tất cả hàng hóa nhập từ Trung Quốc, tỷ giá nhân dân tệ so với USD phải được “cân đối” ở mức 8,19 CNY “ăn” 1 USD.

Nhìn lại lịch sử tỷ giá, đồng nhân dân tệ từng rớt giá kỷ lục khi được “găm” ở mức 8,28 CNY đổi USD vào năm 2005.

Nếu những “tai họa” kinh tế lan ra phạm vi toàn cầu, các nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn sàng trước những cuộc chiến tiền tệ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này có thể giúp đô la Mỹ “ngư ông đắc lợi” trong ngắn hạn, các chuyên gia Ngân hàng Quốc gia Australia nhận định.

Các chỉ số kinh tế được công bố những tháng qua cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chững lại. Nhóm chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách (Trung Quốc) sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề tỷ giá, đơn cử như vận dụng chính sách tiền tệ để thực hiện cắt giảm đối với các định chế cho vay trung hạn hay điều chỉnh lãi suất trên thị trường mở (OMO). Chính sách tín dụng và tài khóa cũng được nhóm chuyên gia Goldman Sachs khuyến nghị sử dụng để điều hành tỷ giá.

Nhân dân tệ nhiều khả năng sẽ trượt giá còn 7,2 CNY “ăn” 1 USD trong 3 - 6 tháng tới và dao động ở mức 7,1 CNY đổi 1 USD trong vòng 12 tháng tới, nhóm chuyên gia Goldman Sachs dự báo.

Diễn biến bất ngờ thương chiến Mỹ Trung: Tổng thống Trump nói Trung Quốc muốn quay lại đàm phán thương mại
Phía Trung Quốc đã liên lạc với quan chức thương mại Mỹ để tỏ ý quay lại bàn đàm phán thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ngày 26/8 và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư