Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Vụ MC bị tố bạo hành: 'Nữ sinh 15 tuổi đang gặp vấn đề nghiêm trọng'
Hải Phong (vietnamnet) - 29/05/2018 08:40
 
"Trong vụ việc này, tôi tin rằng cô bé 15 tuổi kia đang gặp những vấn đề nghiêm trọng cần, rất cần các cơ quan, tổ chức bảo vệ và chăm sóc trẻ em vào cuộc tìm hiểu”, nhà báo Hoàng Anh Tú bày tỏ quan điểm về vụ việc nữ sinh T.D (15 tuổi) tố anh rể bạo hành.
Bạo hành trẻ em
Nhà báo Hoàng Anh Tú

Nhà báo Hoàng Anh Tú: 'T.D có thể đang gặp vấn đề nghiêm trọng'

Liên quan đến vụ việc nữ sinh tố anh rể (là một nam MC truyền hình) bạo hành trong thời gian dài, nhà báo Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn) - chuyên gia có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tâm lý cho lứa tuổi vị thành niên, cho biết:

“Tôi cũng như nhiều người vẫn đang theo dõi sát sao vụ việc này. Tôi nghĩ các nhà báo, đồng nghiệp của tôi hẳn đang ráo riết tìm kiếm thông tin nhằm làm rõ chân tướng của sự việc".

Ở góc độ là chuyên gia tâm lý cho lứa tuổi vị thành niên, nhà báo Hoàng Anh Tú bày tỏ sự đau lòng trước câu chuyện của T.D.

Anh cho rằng, kể cả chân tướng sự việc này có thế nào thì quan điểm của anh vẫn là nói không với hành vi bạo hành trẻ em.

“Bạo hành trẻ em không chỉ là bạo lực, bạo hành thân thể mà còn là bạo hành tinh thần (nhiếc mắng, thoá mạ, doạ nạt, quát tháo…), bỏ bê (không quan tâm, không có trách nhiệm, thờ ơ với nhu cầu chính đáng và cần thiết của trẻ em…).

Trong vụ việc này, tôi vẫn tin rằng cô bé 15 tuổi kia đang gặp những vấn đề nghiêm trọng cần, rất cần các cơ quan, tổ chức bảo vệ và chăm sóc trẻ em phải vào cuộc tìm hiểu” - anh nói.

Bàn về vấn đề tâm sinh lý của tuổi mới lớn, nhà báo Hoàng Anh Tú cũng chia sẻ, trong 12 năm làm chuyên gia gỡ rối tâm lý anh đã nhận được nhiều lá thư của các em trong lứa tuổi mới lớn.

Anh khẳng định, bất cứ sự nổi loạn nào của các em cũng đều bắt nguồn từ cách cư xử của những người lớn xung quanh.

Ngay cả khi các em tự làm đau mình (rạch tay, tự tử, hành hạ bản thân) cũng đều bắt nguồn từ việc các em không được nói ra ý nghĩ của mình, không được người lớn lắng nghe hoặc không được tin tưởng.

Các em không tự nhiên cư xử như thế và càng không có chuyện nó là “lỗi” tâm sinh lý lứa tuổi cả. Tiếc thay người lớn luôn áp đặt suy nghĩ đó cho lũ trẻ. Dường như nhiều người lớn quên mất mình đã từng là trẻ con khi luôn áp cho trẻ những suy nghĩ của người lớn.

Bạo hành trẻ em
Hình ảnh T.D tố bị anh rể đánh.

“Đã hơn một lần tôi cầu xin các bậc cha mẹ thôi bận bịu chừng nửa tiếng, một giờ để 'bán cho con 1 giờ của bố mẹ'. Đã hơn một lần tôi giận dữ lên án các bậc cha mẹ bỏ bê con cái. Bỏ bê trẻ em cũng là một hình thức của bạo hành trẻ em. Làm con cái của các ông bố bà mẹ Việt Nam thật sự là rất khó, rất khổ và rất đáng phải khóc”, nhà báo nhấn mạnh.

Cũng theo Hoàng Anh Tú, với những tư duy, quan niệm kiểu “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” hay  “cây muốn lớn khoẻ cần cắt cành ngắt lá”, phụ huynh Việt thường gọt lũ trẻ phải tư duy giống nhau, nghĩ khác làm khác sẽ bị coi là bất thường.

Họ dùng cụm từ “Trẻ con mà” để định lượng, định vị lẫn định chế cho bất kể đứa trẻ mới 5 tuổi, 7 tuổi hay khi đã 15-17 tuổi. Đặc biệt, người lớn thường không tin vào lũ trẻ vì chúng là “trẻ con mà”.

Nhà báo Hoàng Anh Tú nhấn mạnh: “Tôi nghĩ nếu như gia đình cô bé 15 tuổi kia biết lắng nghe T.D có lẽ sẽ không bao giờ có một bài chia sẻ đau lòng như cô bé đã viết, chưa nói là bị bạo hành. Đến bao giờ cha mẹ Việt sẽ tin và chịu lắng nghe con mình?”.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: "Mạng xã hội đang đẩy sự việc đi xa hơn"

Bạo hành trẻ em
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng.


Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển xã hội, chia sẻ: "Tôi chưa có cơ hội nói chuyện trực tiếp với những người trong cuộc. Những thông tin tôi nắm được là qua mạng xã hội và qua một số người biết về cô bé cũng như hoàn cảnh gia đình của em.

Tôi nghĩ em gái đó đang ở trong lứa tuổi vị thành niên, giai đoạn mà tâm sinh lý có nhiều thay đổi, dễ buồn, dễ vui, tâm hồn nhạy cảm, tính khí thất thường.

Nếu người lớn trong gia đình không hiểu rằng em đang trong giai đoạn như vậy hai bên sẽ dẫn đến va chạm, mâu thuẫn".

Bà cho rằng nếu người lớn không biết giải quyết, các mâu thuẫn đó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khi có sự tham gia của mạng xã hội. Chính mạng xã hội làm sự việc trở nên nghiêm trọng hơn bản chất của nó.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng tác động của mạng xã hội là cái chúng ta đáng bàn nhất trong câu chuyện này chứ không phải bản chất của sự việc. Mặc dù chúng ta không ai tán thành việc bạo hành trẻ em và đều mong những áp lực, mâu thuẫn gia đình phải được giải quyết, để trẻ em có môi trường phát triển tốt đẹp nhất.

"Câu chuyện của T.D có nhiều phức tạp hơn ở chỗ tất cả những người trong cuộc có thể bị tổn thương hơn so với những mâu thuẫn ở trong gia đình. Những tổn thương này là chính là do mạng xã hội mang đến.

Ở đây tôi thấy câu chuyện đang bị nghiêm trọng hóa, bị đẩy đi quá xa. Người trong cuộc cũng  không lường trước được những hệ lụy. 

Nguy cơ ai cũng bị tổn thương. Nếu trong gia đình không thực sự vượt lên, ngồi với nhau, giải quyết trao đổi thì sự việc có thể đi xa hơn", Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nói.

Nguyên nhân bất ngờ vụ việc nam MC bị tố bạo hành em vợ 15 tuổi
Đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình đã đến nhà nữ sinh T.D để xác minh vụ việc và đưa ra những thông tin bất ngờ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư