Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
10 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội năm 2023
Hồng Hạnh - 16/12/2022 18:16
 
Để tận dụng thành quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế, năm 2023, TP. Hà Nội đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội.

Chiều 16/12/2022, UBND TP. Hà Nội tổ chức Họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022. 

Theo báo cáo ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trình bày tại Họp báo, bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm nổi bật. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng chậm và chưa đạt yêu cầu; Chuyển đổi số còn chậm, hầu hết các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số đạt thấp so với mục tiêu đề ra. 

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp so với mục tiêu đề ra; 

Tổng thu ngân sách ước cả năm vượt dự toán, tuy nhiên kết quả một số khoản thu, khu vực thu còn thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ như thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 74,1% dự toán, giảm 5,7%. Thu từ khu vực đầu tư nước ngoài đạt 89,7% dự toán, giảm 0,5%; Các khoản thu về nhà, đất chỉ đạt 60,3% dự toán, giảm 22,2%.

Thực hiện các khâu đột phá còn nhiều khó khăn, nhất là về phát triển kết cấu hạ tầng. Xuất hiện một số khó khăn trong lĩnh vực y tế như thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm hay một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, do tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp.

Bên cạnh đó, tình hình tai nạn giao thông và cháy nổ trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương về tổ chức giao thông và phòng, chống cháy nổ chưa làm hết trách nhiệm; do ý thức của một bộ phận người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn chưa tuân thủ các quy định của Nhà nước về giao thông, về phòng, chống cháy nổ.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên đồng thời tận dụng thành công của năm 2022 và những năm trước, năm 2023, TP. Hà Nội đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhấ, giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong đó, thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn. Bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách; Phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách nhà nước. 

Phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng. Thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát giá cả, thị trường; phấn đấu chỉ số giá tiêu dùng dưới 4,5%. 

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Xây dựng và thực hiện Đề án khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục phát triển đồng bộ, bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học và công nghệ.

Thứ hai, tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; phát triển các mô hình kinh tế mới. Trong đó, về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, TP. Hà Nội sẽ củng cố, cải tạo để nâng cao năng lực nội tại, đồng thời xây dựng thêm các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo kế hoạch;

Phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước; Phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt; Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng từ 10% trở lên. 

Thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Thứ ba, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục; Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. 

TP. Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Cuộc vận động xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; Thực hiện phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu về văn hóa. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, bảo tồn, tôn tạo các di tích; Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể thao thường xuyên và thành tích các môn thể thao trọng điểm.

Tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ, 9 giải pháp trọng tâm ngành giáo dục. Tiếp tục xây dựng nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành trong các môn học; thực hiện hiệu quả mô hình “trường học kết nối”. Thực hiện tốt công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Phấn đấu đào tạo cho khoảng 230 nghìn lượt người.

Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Chăm lo sức khỏe cho người dân. Duy trì tốt hệ thống giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm. Duy trì tiêm chủng theo tuần tại các trạm y tế. Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách; thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh. 

Đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; nâng cao đời sống của Nhân dân. Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các chính sách trợ giúp xã hội, các giải pháp khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19. Quan tâm nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ y, bác sỹ. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Phát triển thị trường lao động; phấn đấu giải quyết việc làm cho 162 nghìn lao động. Mở rộng diện bao phủ và nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp

Tiếp tục xây dựng hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về dân cư, đất đai, tài sản công… Phát triển kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực... 

Thứ năm, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hậu kiểm việc thực hiện quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tập trung hướng dẫn thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. 

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, phấn đấu hoàn thành việc giao đất dịch vụ cho các hộ dân. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Đầu tư hệ thống thoát nước đô thị, khắc phục tình trạng úng ngập. Xây dựng lộ trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường không phù hợp quy hoạch; chọn 3-5 cơ sở để thực hiện trong năm 2023.

Thứ sáu, đẩy nhanh công tác quy hoạch. Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh. Hoàn thành một số quy hoạch chi tiết khu chung cư cũ… 

Thứ bảy, tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

Trong đó, triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, đầy đủ. Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế; nguồn lực; thủ tục hành chính để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền theo kế hoạch. Hoàn thành Đề án xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của Thành phố phục vụ chỉ đạo, điều hành; Đề án xây dựng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung của Thành phố. Nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS…. 

Thứ tám, đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội. 

Thứ chín, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Và thứ mười, TP. Hà Nội sẽ tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư