Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước
Thu Phương - 25/06/2019 10:13
 
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào. Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước.
.
Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước.

Ngày 25/6, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 thường niên lần thứ 3 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công”.

Tham dự diễn đàn có Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái; bà Trần Thị Tuyến Ánh, Vụ trưởng Vụ gia đình (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch); ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông; ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch Câu lạc bộ Sao Đỏ, Tổng giám đốc Tập đoàn Eurowindow; ông David Tay, Giám đốc Phát triển kinh doanh PwC Malaysia & Việt Nam; bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát; bà Nguyễn Ngọc Mỹ, Thành viên Hội đồng quản trị Alphanam Group…

Phát biểu tại sự kiện, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội khi đề xuất cho phép được nghỉ ngày Doanh nhân gia đình 28/6. "Hiện những giá trị nền tảng gia đình đang lung lay bởi nhiều yếu tố xung đột trong khi đó, cái nôi của nhân văn quan trọng nhất là gia đình. Do đó, chúng tôi đang kiến nghị bổ sung ngày gia đình Việt Nam là ngày nghỉ, Quốc hội đang thảo luận và cho ý kiến”, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.

Theo đó, Chủ tịch VCCI khẳng định, doanh nghiệp gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào. Theo khảo sát 10 doanh nghiệp gia đình lớn nhất trên thế giới hiện nay cho thấy tổng số vốn  của các doanh nghiệp gia đình này lên đến trên 3.000 tỷ USD.

“Điều này đồng nghĩa những doanh nghiệp gia đình của nền kinh tế thế giới hiện lớn hơn quy mô nền kinh tế Việt Nam. Do đó có thể hiểu họ chính là một nền kinh tế”, Chủ tịch VCCI nhận định.

Cũng theo TS. Vũ Tiến Lộc, hiện 40% GDP trong nền kinh tế thế giới được tạo ra bởi các doanh nghiệp gia đình với những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Hyundai, Estée Lauder….

Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công, Kido…

Khẳng định các doanh nghiệp gia đình đang đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc một lần nữa nhấn mạnh, thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp gia đình, của hộ kinh doanh cũng là thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước.

Để thành công trong doanh nghiệp gia đình, Chủ tịch VCCI cho rằng, quản trị doanh nghiệp là yếu tố quyết định. “Phải xây dựng được quản trị chuyên nghiệp, không thể gia đình trị và tình trị mà phải kỹ trị và phải có quản lý chuyên môn chuyên nghiệp. Các thành viên gia đình được khuyến khích tham gia vào đầu tư, quản trị doanh nghiệp. Khi tuyển dụng các thành viên gia đình vào các vị trí quản trị phải nghiêm ngặt như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài khác. Có vậy doanh nghiệp mới phát triển, nếu không muốn phải đối mặt sự thua kém doanh nghiệp khác và rồi thất bại”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Kinh nghiệm thành công của các tập đoàn, doanh nghiệp gia đình trên thế giới cũng cho thấy bài học tuyển dụng các thành viên vào vị trí quản trị phải chuyên ngiệp. Thậm chí, nếu thành viên gia đình không đảm bảo năng lực quản trị hoàn toàn có thể tuyển dụng nhân sự quản trị từ bên ngoài. Tuy nhiên, các thành viên gia đình sẽ thuận lợi hơn nhiều so với nhân sự từ bên ngoài bởi bên cạnh năng lực trong quản trị sẽ là sự gắn kết gia đình.

Doanh nghiệp gia đình và chiến lược giữ chân người tài
Chất lượng nguồn nhân lực được xem là yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong các doanh nghiệp gia đình, việc lựa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư