-
Chủ tịch tỉnh Long An yêu cầu xử lý chồng lấn ranh Dự án Khu công nghiệp Hữu Thạnh -
Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với các cựu công chức ngành thuế TP.HCM -
Quảng Bình thu hồi đất của dự án 515 tỷ đồng, nợ thuế 98 tỷ đồng -
Lời giải cho bài toán chống ngập ở Đà Nẵng -
Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc thẩm định ĐTM các dự án đầu tư tại 3 tỉnh miền Trung -
Chống thuốc lá nhập lậu: Đa dạng giải pháp thực tế
Bài 3: Hành trình 30 năm “lên bờ, xuống ruộng”
Ông Lâm Trúc Nhỏ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thuận Hưng cùng các thành viên trong Công ty khẩn thiết kêu cứu khắp nơi, vì đã trải qua 5 “đời” Chủ tịch UBND TP.HCM, từ lúc tóc ông còn xanh, đến nay đã bạc đầu, mà dự án của doanh nghiệp vẫn “đứng hình”.
Hứa 1 tháng, nhưng 19 năm mới xong
Từ năm 1992, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thuận Hưng (Công ty Thuận Hưng) được UBND TP.HCM cho phép đầu tư xây dựng Dự án Khu chế biến nông hải sản và Kho bảo quản lương thực trên khu đất hơn 10 ha tại quận 8, TP.HCM.
Công ty đã bồi thường đất cho các hộ dân, đóng trước 50% giá trị lệ phí sử dụng đất với số tiền không nhỏ lúc bấy giờ, hơn 2,1 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp còn vay ngân hàng, đầu tư hơn 10 triệu USD để nhập khẩu 15 bộ khung kho tiền chế, chuẩn bị thi công Dự án.
Khu đất được hoán đổi hơn 8,3 ha của Công ty Thuận Hưng đang để hoang. |
Lúc đó, TP.HCM cho phép liên doanh Phú Mỹ Hưng xây dựng dự án khu đô thị mới (Dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện nay). Vị trí quy hoạch khu đất làm Dự án của Công ty Thuận Hưng bị chồng lấn, nằm trong ranh quy hoạch Dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Ngày 12/9/1994, Văn phòng UBND TP.HCM có Thông báo số 763/TB-VP-QLĐT truyền đạt kết luận của Thường trực UBND TP.HCM hứa “hoán đổi khu đất khác có diện tích tương đương” cho Công ty Thuận Hưng. Khu đất hơn 10 ha đã giao Công ty Thuận Hưng sẽ giao lại cho liên doanh Phú Mỹ Hưng. Mọi thủ tục hoán đổi phải thực hiện hoàn tất trong 1 tháng kể từ ngày 12/9/1994.
Đặt hoàn toàn niềm tin vào chỉ đạo trên, tháng 11/1994, Công ty Thuận Hưng bàn giao toàn bộ hồ sơ pháp lý của Dự án cho liên doanh Phú Mỹ Hưng.
- Ông Lâm Trúc Nhỏ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thuận Hưng
Nhưng, Công ty Thuận Hưng không được bàn giao mặt bằng đất hoán đổi (cũng ở phường 7, quận 8) trong thời hạn 1 tháng như lời hứa, mà phải mất 2 năm để làm lại các thủ tục theo quy định qua sự phê duyệt của các cơ quan chức năng.
Cụ thể, từ Tờ trình đề ngày 9/2/1996 của UBND TP.HCM, tháng 5/1996, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 2086/KTN đồng ý về chủ trương và tới tháng 8/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thu hồi hơn 10 ha đất thuộc phường 7 (quận 8) và cho Công ty Thuận Hưng thuê để đầu tư xây dựng dự án.
Thế nhưng, diện tích hơn 10 ha mà UBND TP. HCM vừa “hoán đổi” cho Công ty Thuận Hưng lại tiếp tục bị “xẻo” mất hơn 2 ha, do Thành phố thu hồi để giao Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) xây dựng Trạm xử lý nước thải, phục vụ Dự án Trung tâm thương mại Bình Điền.
Năm 2003, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Đua cho hay, Thành phố phải điều chỉnh, chỉ có thể bàn giao được hơn 8,3 ha cho Công ty Thuận Hưng và doanh nghiệp đã đồng ý. Đối với diện tích còn thiếu, Thành phố sẽ bàn giao hơn 2 ha đất thuộc quy hoạch Khu dân cư Bình Điền cho Công ty Thuận Hưng. Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã đồng ý với phương án của TP.HCM.
“Đây là ý kiến chỉ đạo cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại của Công ty Thuận Hưng, giao UBND TP.HCM tổ chức thực hiện dứt điểm trong năm 2003”, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải nêu rõ.
Dù vậy, phải 2 năm sau, ngày 9/6/2005, UBND TP.HCM mới ban hành Quyết định số 2856/QĐ-UB cho Công ty Thuận Hưng thuê đất hơn 8,3 ha để làm dự án.
Với hơn 2 ha “bù” phần còn lại, tuy nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư Thuận An được phê duyệt từ năm 2006, nhưng tới tận tháng 4/2008, Ban Quản lý khu Nam mới ra được quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Điều đáng nói là, phần diện tích hơn 2 ha này lại không phải đất sạch, phải bồi thường giải tỏa, nên mãi đến tháng 8/2013 mới được Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn bàn giao cho Công ty Thuận Hưng.
Như vậy, sau gần 19 năm kể từ ngày UBND TP.HCM ra Thông báo số 763/TB-VP-QLĐT, ngày 12/09/1994 về việc hoán đổi khu đất, Công ty Thuận Hưng mới nhận được đất hoán đổi trên thực địa.
Năm thứ 30, hơn 8,3 ha đất hoán đổi vẫn mịt mù...
Sau khi nhận đất hoán đổi, để giải quyết công nợ và được sự chấp thuận của UBND TP.HCM, Công ty Thuận Hưng bán hơn 8,3 ha cho Satra. Tuy nhiên, Satra không trực tiếp ký hợp đồng, mà để Công ty cổ phần Bình Điền (Công ty Bình Điền) ký hợp đồng mua bán với Công ty Thuận Hưng.
Khi đất đã giao xong, thì Thanh tra TP.HCM cho rằng, Công ty Thuận Hưng không được chuyển nhượng “sổ đỏ” cho Công ty Bình Điền (71% vốn góp của tư nhân), mà chỉ có thể chuyển nhượng cho Satra (100% vốn nhà nước).
Ngày 28/12/2008, UBND Thành phố ra Thông báo số 988/TP-VP (do một Phó chủ tịch UBND Thành phố ký), khẳng định việc chuyển nhượng trên là không thể được.
Sự vụ “đứng hình” tới 5 năm sau, ngày 8/1/2013, Satra mới tổ chức cuộc họp khẳng định: “Satra sẽ không đầu tư trực tiếp vào khu đất 8,3 ha của Công ty Thuận Hưng, mà sẽ do Công ty Thuận Hưng trực tiếp đầu tư xây dựng theo quy hoạch chung”. Đối với Công ty Thuận Hưng và Công ty cổ phần Bình Điền, “của ai trả lại người đó”.
Oái oăm, trong khi Công ty Thuận Hưng đang thực hiện các thủ tục để nhận lại 8,3 ha đất, thì bất ngờ, ngày 4/9/2015, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lúc đó là ông Đào Anh Kiệt có văn bản tham mưu rằng, Công ty Thuận Hưng không có khả năng tài chính để hoàn trả lại cho Công ty Bình Điền, nên kiến nghị thu hồi đất của Công ty Thuận Hưng và chuyển hơn 8,3 ha này cho Công ty Bình Điền thuê đất.
Theo nội dung tham mưu nói trên, ngày 8/12/2015, Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc đó là ông Nguyễn Hữu Tín đã ra Quyết định số 6525/QĐ-UBND, thu hồi 8,3 ha đất và cho Công ty Bình Điền thuê.
Cho rằng, các quan chức trên đã giúp doanh nghiệp khác “phỗng tay trên” 8,3 ha đất, Công ty Thuận Hưng kêu cứu tận Trung ương.
Tháng 12/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường lập đoàn công tác để kiểm tra, làm rõ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi làm việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM hủy bỏ quyết định thu hồi 8,3 ha đất và hướng dẫn Công ty Thuận Hưng chuyển từ đất thuê trả tiền hàng năm sang trả tiền một lần; sau khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính, thì hướng dẫn Công ty Thuận Hưng và Công ty Bình Điền chuyển nhượng đất; lập thủ tục giao hơn 2 ha đất cho Công ty Thuận Hưng.
“Nhưng tới giờ này, 30 năm rồi, từ ngày hoán đổi, nhường đất cho TP.HCM, Công ty vẫn chưa nhận được phương án cụ thể của cơ quan chức năng để xử lý đối với hơn 8,3 ha nói trên”, ông Lâm Trúc Nhỏ nói trong sự cay đắng.
Và mảnh đất “bù” hơn 2 ha vẫn không có “sổ đỏ”
Với phần diện tích hơn 2 ha đất “bù” được bàn giao, Công ty Thuận Hưng tiếp tục hành trình thủ tục xin phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường dự án, xin công nhận chủ đầu tư, lập thủ tục xin chấp thuận đầu tư.
Từ tờ trình của Sở Xây dựng, ngày 4/12/2015, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 6435/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty Thuận Hưng đầu tư Dự án Khu dân cư Thuận Hưng với thời gian và tiến độ thực hiện dự kiến là 4 năm.
Song tới lúc này, lại vướng quy định mới, dự án thương mại phải dành 20% quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội, khiến Dự án của Công ty Thuận Hưng tiếp tục “đứng hình”.
Sau 2 năm (2016 - 2017), Dự án Khu dân cư Thuận Hưng mới được các cơ quan chức năng TP.HCM kiến nghị và Bộ Xây dựng cho phép không phải dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội.
Nhưng để khởi công được, Công ty Thuận Hưng phải tuân thủ quy định tại Quyết định chấp thuận đầu tư dự án của TP.HCM: “Công trình chỉ được phép khởi công xây dựng khi đã hoàn tất các thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất…”.
Công ty Thuận Hưng đã nhiều lần gửi văn bản đến các cơ quan chức năng xin cấp “sổ đỏ” với lời khẩn thiết: “Tiến độ thực hiện Dự án đã gần hết hạn… Kính đề nghị sở, ngành sớm giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để Công ty có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo”.
Nhiều cơ quan liên quan sau đó cũng đề xuất, nhưng TP.HCM vẫn… chưa giao “sổ đỏ”, khiến doanh nghiệp phải kêu cứu tới Chính phủ.
Liên quan bức xúc của doanh nghiệp, sau kết quả làm việc của Đoàn Công tác, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị ngày 1/2/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, TP.HCM phải giao và cấp “sổ đỏ” hơn 2 ha cho Công ty Thuận Hưng.
Có được kết quả chính thức này, thì tiến độ Dự án Khu dân cư Thuận Hưng đã hết hạn (hết hạn vào ngày 4/12/2019). Công ty Thuận Hưng lại phải lập hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư và đến tháng 2/2023, UBND TP.HCM có công văn chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án.
Doanh nghiệp lại bắt đầu từ đầu, làm thủ tục xin giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thủ tục khác theo hướng dẫn tại Công văn số 294/UBND-DA.
Nhưng, hành trình khổ ải vẫn chưa dừng lại, khi doanh nghiệp phát hiện, xuyên suốt các quyết định thu hồi và cho thuê đất, TP.HCM chưa xem xét đến giá trị tiền sử dụng đất mà Công ty Thuận Hưng đã tạm nộp vào ngân sách tại thời điểm năm 1992 là trên 2,1 tỷ đồng (tương đương 50% giá trị tiền sử dụng đất của khu đất hơn 10 ha).
Suốt năm 2023, Công ty Thuận Hưng làm nhiều đơn kiến nghị cơ quan chức năng cho phép quy đổi và khấu trừ số tiền trên vào số tiền phải nộp, khi xác định nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với Dự án Khu dân cư Thuận Hưng.
Nhưng tới giờ này, mọi việc vẫn… chưa chuyển động.
(Còn tiếp)
-
1001 kiểu “đốt” công sức, tài sản, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp - Bài 3: Hành trình 30 năm “lên bờ, xuống ruộng” -
Chống thuốc lá nhập lậu: Đa dạng giải pháp thực tế -
Quảng Nam: Đề nghị ban bố tình huống khẩn cấp về sạt lở nghiêm trọng tại bờ biển Cẩm An -
Lực lượng biên phòng Đồng Tháp tăng cường chống thuốc lá lậu -
Công an TP.HCM khởi tố đối tượng lừa đảo với chiêu trò “mua rẻ, bán lại giá cao” -
Bộ Công an phát động cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán 2025 -
Đà Nẵng nêu hướng xử lý 3 khu đất vàng “treo” giữa trung tâm Thành phố
- Meey Group mong muốn “bắt tay” với các đối tác Đức nghiên cứu, phát triển ứng dụng quản lý dữ liệu đất đai
- GAET vinh dự tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
- Mùa kiều hối Agribank 2025 - “Kiều hối đón tết - gắn kết tình thân”
- HEINEKEN Việt Nam hợp tác cùng VBCSD-VCCI hỗ trợ đối tác cung ứng thúc đẩy giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng
- VinaCapital hợp tác cùng VPBankS phân phối chứng chỉ quỹ mở
- 200 cửa hàng Jollibee - Hành trình lan tỏa niềm vui đến người tiêu dùng Việt Nam