Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
150 triệu USD cho Dự án giảm nghèo Tây Nguyên
Hoàng Thủy - 30/05/2014 11:50
 
() Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức khởi động Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên.
TIN LIÊN QUAN

Khoản vốn 150 triệu USD của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được vay từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) theo Hiệp định tín dụng tài trợ cho Dự án được ký kết vào ngày 24/4/2014 giữa Ngân hàng Nhà nước và  IDA.

   
  Khoản vốn 150 triệu USD của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được vay từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA)  

Dự án sẽ hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho 130 xã, 26 huyện nghèo và khó khăn nhất tại 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum và các huyện giáp Tây Nguyên thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Với thời hạn triển khai đến 31/12/2019, Dự án kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội thoát nghèo cho các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số tại miền Trung - Tây Nguyên.

Đồng thời, Dự án sẽ khuyến khích nhóm đối tượng này tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, các địa phương cần tuyên truyền sâu rộng về dự án này để người dân hiểu.

“Nếu người dân thờ ơ, không quan tâm đến Dự án thì thật sự đáng lo cho Dự án này”, Thứ trưởng Thu nói.

Thứ trưởng cũng nhắc nhở rằng, cần sớm hình thành hệ thống điều hành Dự án, phát triển đến từng cơ sở và xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trách nhiệm.

Theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, số tiền 42 tỷ đồng cho mỗi huyện chưa phải là con số lớn, nhưng đây là khoản đầu tư có ý nghĩa xã hội sâu sắc, vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương trong điều hành dự án.

“Ngoài việc tranh thủ sự hỗ trợ của WB, tranh thủ các nguồn lực, các địa phương phải học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các dự án lớn khác trên cả nước”, Thứ trưởng Đào Quang Thu nói.

Đại diện WB cho rằng, mục tiêu của dự án là tìm ra giải pháp để giải quyết một số điểm nghẽn hết sức quan trọng của vùng.

Dự án sẽ tìm cách nâng cao chất lượng tham gia của người dân tộc thiểu số tại chỗ trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến sáng kiến phát triển địa phương có ảnh hưởng trực tiếp đến họ, hay còn gọi là “cách tiếp cận dựa trên trao quyền” thường được nhắc đến tại các hội nghị trước đây.

Theo WB, Dự án sẽ kết hợp giữa đầu tư vào cơ sở hạ tầng với hỗ trợ sinh kế, trong đó bao gồm cả dinh dưỡng, với vai trò hết sức quan trọng đối với người nghèo.

“Dự án sẽ hỗ trợ cho các hoạt động hỗ trợ sinh kế thông qua các nhóm nông dân, thay vì hỗ trợ cho các hộ đơn lẻ”, Đại diện WB nói.

Đại diện WB cũng khẳng định rằng, Dự án sẽ tăng tính “kết nối” các nhóm dân tộc và cộng đồng trong vùng tới các dịch vụ của Chính phủ, thị trường và các cơ hội phát triển, giảm nghèo.

Theo con số thống kê năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của nước ta là 20,7%, trong khi đó dân tộc thiểu số con số đó là 48%.

“Khoảng 74% người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang sống dưới chuẩn nghèo là điều đáng quan tâm ưu tiên của Chính phủ Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế, trong đó có WB. Dự án giảm nghèo Tây Nguyên khởi động cũng không ngoài mục tiêu mang lại cuộc sống tốt hơn cho nhóm người này”, Bộ trưởng Đào Quang Thu khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư