Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
2-9, về Ninh Bình thăm hợp tác xã kiểu mới
Quý Hưng - 02/09/2016 07:40
 
Trong không khí phấn khởi chào mừng ngày Quốc khánh 2-9, chúng tôi tới thăm một số hợp tác xã (HTX) kiểu mới ở Ninh Bình để tìm hiểu về các mô hình hoạt động hiệu quả theo Luật HTX 2012, đem lại lợi ích thiết thực cho xã viên. Thành tựu của các HTX ở Ninh Bình đã khẳng định sự đúng đắn của mô hình mới.

Nhận thức và hành động đúng

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, bà Lê Thị Tâm cho biết, trước khi Luật HTX năm 2012 ra đời, hầu hết các HTX trong tỉnh đều có quy mô vốn thấp, cơ sở vật chất còn nhiều yếu kém, thiếu cán bộ có năng lực quản lý và điều hành, nhiều HTX nông nghiệp chỉ tồn tại trên danh nghĩa, thu nhập thấp, kỹ năng tiếp thị và thông tin hạn chế, chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi và cơ hội phát triển; việc liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh tế khác manh mún và chưa mang lại hiệu quả.

Trước thực trạng này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012, xây dựng và nhân rộng các HTX kiểu mới, hoạt động hiệu quả với tư duy sản xuất hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị và mở rộng thị trường…

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình đưa đoàn tham quan HTX Sinh Dược để hợp tác mở rộng vùng nguyên liệu.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình đưa đoàn tham quan HTX Sinh Dược để hợp tác mở rộng vùng nguyên liệu.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông tri số 19/TT-TU về đổi mới phát triển kinh tế, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 129/CV-VP về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể các cấp. HĐND tỉnh khóa XIII ban hành Nghị quyết số 30/NQ - HĐND phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tập thể tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 với nguồn vốn trên 31 tỷ đồng, ngoài ra, Ninh Bình còn xây dựng Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản. Liên minh HTX tỉnh cùng các đơn vị thành viên triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương, trọng tâm là Luật HTX năm 2012… từ đó tạo nền tảng và bước đột phá, mở trang mới cho khu vực kinh tế tập thể Ninh Bình.

Nhiều mô hình HTX năng động

Đã có 56 năm hình thành và phát triển, là đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nhưng những năm gần đây, HTX nông nghiệp Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc) cũng không thể “ngủ yên” trong vẻ vang, mà đã nỗ lực bứt phá, vượt lên chính mình, hòa vào công cuộc “lột xác” của các HTX trong nước với việc nâng cao hiệu quả 10 khâu dịch vụ.

Năm 2013, Hợp Tiến đã đầu tư Dự án xây lò sấy thóc 500 tấn/năm, đưa 11 máy gặt đập liên hoàn phục vụ khâu thu hoạch, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dưa bao tử, ngô ngọt, cà chua bi… để xuất khẩu, mang lại hiệu quả gấp 3 - 4 lần trồng lúa. Chủ tịch HĐQT Vũ Văn Quyết phấn khởi cho biết: “Mô hình HTX kiểu mới năng động chẳng khác gì doanh nghiệp”.

Cũng như Hợp Tiến, HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến, một đơn vị đã có 100 ha được công nhận theo mô hình Vietgap, mở rộng vụ Đông bằng các loại cây giá trị kinh tế cao như dưa bao tử, ngô ngọt, cà chua nhót, ớt, cây dược liệu, mướp đắng, bí xanh, mướp nhật, rau trái vụ, mỗi năm mang lại lợi nhuận gần 6 tỷ đồng. HTX này còn đi đầu trong việc sử dụng các chế phẩm sinh học, không gây ô nhiễm môi trường nước.

HTX nông nghiệp Đông Thôn (xã Yên Thái), nổi lên với mô hình nông nghiệp sạch. 80 ha đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của HTX này đã triển khai Đề án tái cơ cấu trồng rau màu theo tiêu chuẩn Vietgap. HTX đã mở hàng chục cuộc tập huấn nhằm cung cấp kiến thức sản xuất an toàn cho các thành viên, phổ biến kỹ năng, quy trình, phương thức mới... Các siêu thị, khu công nghiệp sẽ là thị trường tiêu thụ chính của HTX và ước tính hiệu quả sẽ tăng khoảng 30%. Giám đốc HTX, ông Vũ Văn Học cho biết thêm: “Trong mô hình HTX kiểu mới, nhiệm vụ kinh doanh chiếm 90%. Luật HTX 2012 đã giúp các HTX tái cấu trúc, đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch”.

Bằng  mô hình “hai màu một lúa”, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng rau, HTX nông nghiệp Đông Giang đã trở thành địa chỉ rau sạch cung cấp cho thị trường TP. Ninh Bình, thu nhập tới 125 triệu đồng/ha/năm. Đông Giang đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam ứng dụng 40 ha đậu tương ĐT26 cho năng suất cao hơn ĐT84 tới 1,5 tấn và quy hoạch vùng trồng dưa bao tử, cây dược liệu, thanh long ruột đỏ.

Xuất hiện những ngành nghề mới

Từ luồng gió mới của Luật HTX năm 2012, HTX nấm Yên Nhân (huyện Yên Mô) sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đã phát triển với 19 thành viên, mỗi thành viên có hơn 420 m2 lán trại, trồng nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ. Đặc biệt, vụ nấm năm 2015, Yên Nhân đã trồng thành công nấm Kim Phúc (một loại nấm rất khó trồng) có giá trị dinh dưỡng và hiệu quả cao.

Cây nấm Yên Nhân đã có mặt trong các nhà hàng, siêu thị phục vụ người dân Hà Nội. Ngoài ra, HTX cũng ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại Vietgap. 6 tháng đầu năm 2016, HTX trồng trên 2,4 vạn bịch nấm Kim Phúc, 6 vạn bịch nấm sò, doanh thu tăng gần 3 tỷ đồng, gấp nhiều lần trồng lúa. Ông Thái phấn khởi nhận xét: “HTX đã giúp bà con nông dân cải thiện đời sống tốt hơn”.

Cách đây 2 năm, HTX Sinh Dược (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn) ra đời, chuyên sản xuất dược liệu như tinh dầu sả, hương nhu, quế, muối ngâm chân, xà phòng thảo dược. Sinh Dược đã kết hợp với các tổ chức, địa phương khai thác chế biến thảo dược như hệ thống sấy dược liệu giảo cổ lam, thảo quả và chưng cất tinh dầu sả, húng quế, hương nhu với 300 tấn nguyên liệu/năm tại Cam Lộ (Quảng Trị) và Sapa (Lào Cai), mở rộng sản xuất tại Ninh Bình lên đến 600 tấn nguyên liệu/năm. Đến quý II năm 2016, tổng công suất tiêu thụ của Sinh Dược lên đến 2.000 tấn nguyên liệu/năm, trong đó thảo dược chiếm 80%.

Tốc độ phát triển của Sinh Dược rất nhanh với nhiều dự án trồng cây thảo dược. Đó là trồng mới 100 ha hương nhu trắng, húng quế, sả chanh, bạc hà tại xã Mộc Nam (Hà Nam). Trồng mới, bảo tồn 50 ha cây chùa dù, sả chanh, mùi, màng tang, thảo quả tại các xã San Sả Hồ, Lao Chải, Bản Khoang (Lào Cai) và huyện Bình Lư (Lai Châu); 100 ha khuynh diệp, tràm, sả chanh trên địa bàn Cam Lộ, Đăkrông (Quảng Trị); 30 ha sả chanh, trầu không, tầm bóp, bồ kết… tại xã Gia Sinh (Ninh Bình) và 30 ha khuynh diệp, tràm tại Thạch Hà (Hà Tĩnh) để chiết xuất tinh dầu.

Ông Vũ Trung Đức, Giám đốc HTX Sinh Dược cho biết: “Sinh Dược sẵn sàng liên kết với các HTX để chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng thảo dược, nhằm mở rộng vùng nguyên liệu, nâng công suất tiêu thụ lên 10.000 tấn thảo dược/năm, sản xuất thêm các sản phẩm mới như nước giặt, dầu gội, kem đánh răng… từ thảo dược”.

Trước xu thế của du lịch cộng đồng, tháng 3/2014, Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng Homestay xã Gia Vân (huyện Gia Viễn) được thành lập, từng bước phát triển với phong cách chuyên nghiệp. Lãng mạn với tour du lịch bằng xe trâu, xe bò tham quan khung cảnh làng quê Bắc Bộ, ngồi thuyền nan ngắm non nước Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long… du khách còn được hòa mình vào cuộc sống dân dã, mộc mạc của người dân như đi chợ, nấu ăn, xay lúa, giã gạo, cuốc đất, ngủ trong nhà cổ nền đất. Tổ hợp tác đã liên kết với Công ty Du lịch Trẻ, Galar tour, Công ty Cội nguồn Việt đưa hàng ngàn lượt khách Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Italia… chiêm ngưỡng di sản thiên nhiên.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn có những mô hình HTX năng động như HTX Ô tô vận tải Ninh Bình với 149 phương tiện làm ăn rất hiệu quả; HTX điện nước và môi trường Khánh Phú, doanh thu liên tục tăng trưởng; các HTX nông nghiệp Thượng Kiệm, Xích Thổ, Liên Sơn… với những mô hình kết hợp lúa - cá, là những  minh chứng sinh động, khẳng định sự thích ứng và phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế của mô hình HTX kiểu mới ở Ninh Bình.

Liên minh HTX Việt Nam đề xuất xây dựng thí điểm Khu nông nghiệp công nghệ cao
Liên minh HTX Việt Nam đang đề nghị Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép Liên minh HTX Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan và các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư