CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Cổ phiếu PHR của CTCP Cao su Phước Hòa đang xuất hiện một số tín hiệu kỹ thuật ủng hộ cho khả năng hình thành một nhịp tăng như đường giá PHR bứt phá ra khỏi biên trên Bollinger Bands, với khối lượng giao dịch khá đột biến; MACD chớm cắt lên đường tín hiệu; ADX tăng cho thấy khả năng xung lượng của xu hướng tăng đang mạnh dần.

Tuy nhiên, diễn biến điều chỉnh tích lũy ngắn hạn có thể xuất hiện khi PHR chạm trở lại vùng 21.5-22, vùng hình thành các mức đỉnh khá dày đặc trong quá khứ. Vượt qua được ngưỡng cản này, khả năng quay trở lại xu hướng tăng của PHR sẽ rõ nét hơn.

Nhà đầu tư có thể xem xét mua PHR khi điều chỉnh về vùng 19-20 (ngưỡng cắt lỗ đặt tại 18.3) hoặc khi giá tăng vượt 22 (ngưỡng cắt lỗ đặt tại 20). Vùng giá kỳ vọng: 27-28.

2. Khuyến nghị mua BMP trung và dài hạn

CTCK Maritime (MSI)

CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) có nền tảng hoạt động sản xuất kinh doanh vững chắc dựa trên hệ thống gần 1.500 đại lý phân phối trải dài từ Nam ra Bắc được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo cung ứng hàng hóa nhanh chóng, kịp thời theo yêu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của BMP là sự uy tín của một thương hiệu lớn đã được xây dựng trong 40 năm hoạt động, đây là một lợi thế vượt trội mà các Công ty cùng ngành khó có thể đạt được. Các sản phẩm ống nhựa của Bình Minh hiện chiếm khoảng 50% thị phần khu vực miền Nam và khoảng 25% thị phần cả nước.

Hoạt động sản xuất và kết quả kinh doanh của BMP tăng trưởng ổn định nhờ vào các chính sách linh hoạt sát với tình hình và nhu cầu của thị trường, quy mô sản xuất lớn và năng suất lao động cao, doanh số tiêu thụ luôn được đảm bảo tốt, chính sách chiết khấu cho đại lý hợp lý và chế độ chăm sóc khách hàng tốt … BMP có lịch sử chi trả cổ tức (tiền mặt) rất đều đặn với mức cổ tức và tỷ suất cổ tức cao.

Dự kiến giai đoạn 2 của nhà máy Bình Minh Long An sẽ được Công ty nỗ lực hoàn thiện trong năm 2017 nhằm đánh dấu kỷ niệm 40 năm thành lập doanh nghiệp. Cùng với những máy móc thiết bị đã được đầu tư mua thêm trước đó, trong thời gian tới năng lực sản xuất của Bình Minh sẽ tăng mạnh, đặc biệt là mảng phụ tùng ống nước, đáp ứng được nhu cầu vẫn còn đang rất cao của thị trường.

Cơ cấu nợ của BMP hoàn toàn là nợ ngắn hạn, chủ yếu là khoản khách hàng ký quỹ đặt cọc để được mua hàng trả chậm, các khoản dự phòng (nợ xấu, truy thu thuế …) cũng đã được trích lập đầy đủ. Công ty vẫn tiếp tục khuyến khích khách hàng dùng hình thức chiết khấu thanh toán ngay nhằm giảm thiểu rủi ro thu hồi nợ có thể xảy ra trong tương lai.

BMP hiện chưa cần dùng nguồn vốn bên ngoài mà có thể tự trang trải cho tất cả các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn của Công ty, nhờ vào những nguồn sau (tính lũy kế đến hết tháng 12/2016): (1) lượng tiền và tương đương tiền là 405 tỷ đồng, (2) quỹ đầu tư phát triển 1.256 tỷ đồng, và (3) lũy kế lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 540,4 tỷ đồng. Sở hữu lượng tiền mặt dồi dào nên rủi ro thanh khoản của Công ty gần như không có. Dư địa mở rộng quy mô sản xuất của Công ty vẫn còn rất lớn.

Hiện nay cổ phiếu BMP đang được giao dịch ở mức giá thấp hơn so với giá trị thực sự với P/E forward 2017F là 12,2x, thấp hơn 25,8% so với P/E của VN-Index (16,5x).

Cổ phiếu BMP được định giá bằng phương pháp Chiết khấu dòng tiền Cổ đông (FCFE) với giá trị hợp lý là 241.020 đồng/CP, so với giá thị trường hiện nay ở mức 195.000 đồng/CP, tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu BMP là 24%.

Chúng tôi vẫn giữ nguyên khuyến nghị MUA cổ phiếu BMP với giá mục tiêu là 241.020 đồng/cp cho mục tiêu trung và dài hạn.