Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
20 doanh nghiệp đa cấp nộp ngân sách 2.255 tỷ đồng.
Thế Hoàng - 04/06/2024 11:57
 
Từ 67 doanh nghiệp vào năm 2016, hiện cả nước chỉ còn 20 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, với doanh thu năm qua chỉ còn 16.866 tỷ đồng, giảm 20%, nộp ngân sách 2.255 tỷ đồng.
Đa cấp
Nhiều doanh nghiệp đa cấp đã bị xử phạt và chấm dứt hoạt động kinh doanh đa cấp.

Cả nước còn 20 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) vừa có báo cáo về hoạt động đa cấp trong năm 2023.

Theo số liệu báo cáo, đến cuối năm ngoái, trên cả nước có 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động, con số này giảm 47 doanh nghiệp so với thời điểm năm 2016.

Tính riêng năm 2023, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp là hơn 768.000 người, tăng gần 61.000 người so với năm 2017 (707.330 người), tức tăng hơn 8%.

Trong năm vừa qua, tổng doanh thu bán hàng đa cấp đạt hơn 16.866 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022 là 21.110 tỷ đồng.

Khoảng 90% doanh thu bán hàng đa cấp đến từ việc kinh doanh thực phẩm chức năng. Với doanh thu này, tổng số thuế các doanh nghiệp đa cấp nộp ngân sách khoảng 2.255 tỷ đồng.

Tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp vào khoảng 5.846 tỷ đồng trong năm 2023. Theo đó, thu nhập bình quân của mỗi cá nhân bán hàng đa cấp đạt khoảng 7,6 triệu đồng/năm.

Bộ Công thương đánh giá bán hàng đa cấp là ngành nghề kinh doanh được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy xấu trên quy mô lớn cho xã hội.

Do đó, thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp nhằm chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trong khuôn khổ pháp luật.

Đặc biệt, qua kiểm tra, thanh tra, cơ quan này phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của hơn 20 doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng năm 2023, Bộ này đã kiểm tra đối với 6 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp và một người tham gia bán hàng đa cấp với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng.

Tiếp tục siết kinh doanh đa cấp 

Cơ quan quản lý đánh giá các đối tượng hoạt động bất chính có xu hướng chuyển sang các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi dẫn đến hoạt động này có diễn biến ngày càng phức tạp.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tích cực thanh tra, kiểm tra, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, phát hiện và xử lý kịp thời các doanh nghiệp hoạt động biến tướng.

Đối với các doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp: tiếp tục phát huy các giải pháp quản lý đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, tích cực thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, phát hiện và xử lý kịp thời các doanh nghiệp hoạt động biến tướng.

"Đối với các hình thức biến tướng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương, cơ quan chức năng sẽ cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng", Bộ nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ ngành, lực lượng liên quan, đặc biệt là cơ quan công an, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội.

Quy định mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư