Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
24 tỉnh không bố trí kinh phí cho phòng chống xâm hại trẻ em
Nguyễn Lê - 27/05/2020 12:56
 
Còn tồn tại “vùng ẩn” trong số liệu thống kê về xâm hại trẻ em và kinh phí, hiệu quả sử dụng kinh phí cho công tác phòng chống xâm hại trẻ em cũng chưa rõ
TIN LIÊN QUAN
.
Phiên giám sát của Quốc hội sáng 27/5.

24 tỉnh không có báo cáo về kinh phí cho hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em cũng có thể xem như công tác này chưa được quan tâm ở 24 địa phương.

Đó là nhận định của đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) tại phiên giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, sáng 27/5.

Mỗi ngày có 7 trẻ em bị xâm hại

Dẫn báo cáo của Chính phủ, Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục.

Hậu quả khiến 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong); 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục; 193 trẻ bị rối loạn tâm thần; 375 trẻ bị thương tật…

Số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2015-2018 tăng nhiều hơn so với giai đoạn 2011-2014, theo nhận định của đoàn giám sát.

Đáng chú ý là, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.

“Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước”, báo cáo giám sát nêu rõ.

Thông tin được nhấn mạnh tại báo cáo giám sát, sau đó được nhiều vị đại biểu nhấn lại là thời gian gần đây tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm tỷ lệ lớn trong các đối tượng xâm hại trẻ em và có xu hướng gia tăng, như tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu 97,29%; tỉnh Phú Thọ 97%; tỉnh Cà Mau 95,9% …

Ở nhiều địa phương có vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con; có trường hợp giết con mang tính chất dã man, mất nhân tính…

Chưa rõ hiệu quả sử dụng kinh phí

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) dẫn lại kết luận của Đoàn giám sát, là còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em... mặt khác, công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.

Như vậy chúng ta thừa nhận rằng còn tồn tại “vùng ẩn” trong số liệu thống kê về xâm hại trẻ em, và thực tế là trong hồ sơ giám sát cũng không có biểu thống kê nào phản ánh tình hình xâm hại trẻ em toàn diện trên 63 tỉnh, thành phố , đại biểu Hiền nhận xét.

Nguyên nhân của việc này, theo đại biểu Hiền là do công tác thống kê, quản trị số liệu về vấn đề này chưa được quan tâm, mà sâu xa là do cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành được Bộ chỉ tiêu thống kê về xâm hại trẻ em, mặc dù nhiệm vụ này đã đã được xác định trong Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020. Bởi vậy, theo đại biểu Quốc hội cần yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2020, làm nền tảng xây dựng văn hóa quản lý dựa trên số liệu.

Vấn đề thứ hai, theo đại biểu Hiền còn chưa thực sự rõ qua giám sát là kinh phí và hiệu quả sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Theo báo cáo thì Nhà nước rất quan tâm bố trí ngân sách, bên cạnh đó nguồn vận động xã hội hóa từ nhân dân và viện trợ quốc tế cũng không nhỏ, với khoảng gần 600 tỷ từ ngân sách trung ương, khoảng 4.300 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và hàng trăm tỷ từ viện trợ và nguồn xã hội hóa. Nhưng, theo đại biểu thì điều đáng nói là Bộ Tài chính cũng chỉ tổng hợp được từ báo cáo của 39/63 tỉnh, thành phố, còn 24 địa phương thì không biết có báo cáo hay không, có bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ trẻ em hay không?

Bà Hiền nhấn mạnh, một vấn đề rất đáng quan tâm, thường được nêu lên khi thảo luận về chấp hành ngân sách đó là việc do sử dụng kinh phí lồng ghép theo các chương trình, đề án thuộc thẩm quyền phân bổ của địa phương nên nếu không xác định đây là nhiệm vụ chi ưu tiên thì địa phương sẽ không phân bổ hoặc sử dụng nguồn kinh phí này cho nhiệm vụ ưu tiên khác. Ví dụ rất rõ về điều này là Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 đến năm 2018, tức là giữa kỳ mới được bố trí kinh phí.

"Bởi vậy, tôi cho rằng, con số 24 tỉnh không có báo cáo về kinh phí cho hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em cũng có thể xem như công tác này chưa được quan tâm ở 24 địa phương", đại biểu Hiền phát biểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư